BVR&MT – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sạt lở tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến ngày càng phức tạp, rất cần khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng này.
Thời gian qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với tác động của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển các tỉnh ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Theo báo cáo của các địa phương, trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 562 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Trong đó có 513 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 520km và 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266km. Sạt lở đặc biệt nguy hiểm 40 điểm gồm 131km. Trong đó một số khu vực sạt lở trọng điểm tại bờ biển như Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau),…
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở tại ĐBSCL do đây là vùng thuộc hạ lưu sông Mê Kông, đất thấp, mềm yếu, khả năng chịu lực thấp, đồng thời khá bằng phẳng, dễ bị xói lở do tác động của tự nhiên và nhân tạo. Tổng chiều dài bờ biển 774 km và khúc khuỷu, bị ngăn cách bởi cửa sông, kênh; khoảng 20 km đường bờ có 1 sông chảy cắt ngang.
Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua. Trong 25 năm (1991-2016), nhiều vùng ở ĐBSCL mực nước ngầm hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Cùng với đó, hoạt động khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu ảnh hưởng đến việc sụt lún tại ĐBSCL, với tổng lượng khai thác khoảng 15 triệu m3 năm 2016.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn, dự báo những năm tới, ngập lụt tại ĐBSCL sẽ tăng mạnh, nhất là vùng ven biển và giữa đồng bằng. Vùng ven biển ngập triều gia tăng, đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn. Xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường dẫn đến việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn.
Nhằm hạn chế sạt lở tại vùng ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển gồm: xây dựng Đề án bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển. Tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng; bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch kết hợp xây dựng nông thôn mới.
Đối với thượng nguồn, cần tăng cường hợp tác quốc tế quản lý bền vững sông Mê Kông về khai thác nguồn nước. Đối với vùng đồng bằng, cần có biện pháp rà soát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm bảo sự cân bằng tương đối; thống nhất giao một đầu mối cấp phép khai thác cát trên các dòng sông; sử dụng hợp lý bùn cát nạo vét để san lấp, đắp đê, làm đường.
Cùng với đó, quy hoạch sử dụng đất vùng ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ. Bố trí, sắp xếp từng bước di dời dân ra khỏi bờ sông, những nơi có nguy cơ cao về sạt lở. Điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông; nghiên cứu toàn diện về sự thay đổi lòng dẫn, dòng chảy sông Mê Kông, chế độ thủy văn, cân bằng bùn cát.
Mặt khác, xây dựng cơ chế xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực nhằm đầu tư xây dựng và quản lý vùng ven sông. Chỉnh trị sông (nghiên cứu giải pháp công trình) đảm bảo ổn định lòng dẫn, ổn định dòng chảy cả mùa lũ và mùa kiệt, tập trung vào sông Tiền, sông Hậu.
Đặc biệt, về công tác quản lý, quản lý tổng hợp vùng bờ theo hình thức xã hội hóa, gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ven biển. Kiểm soát việc sử dụng và khai thác nước ngầm để hạn chế hiện tượng lún sụt đất; rà soát quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển để hạn chế các tác động gây xói lở bờ biển; quy hoạch hệ thống quan trắc diễn biến xói lở bờ biển, nước biển dâng.
Ngoài ra, cần nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế xác định các giải pháp phòng chống sạt lở phù hợp với từng khu vực, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư; nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển rừng ngập mặn ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ giải quyết khu vực sạt lở phức tạp đảm bảo bền vững, không gây sạt lở lan truyền.