BVR&MT – Trong những năm gần đây, trên địa bàn xã Lan Giới, huyện Tân Yên, rất nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn nuôi dê theo phương thức vỗ béo tại chuồng với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Đá Ong, hiện đang nuôi khoảng 400 con dê vỗ béo thuộc giống dê Bách Thảo, dê Boer. Theo chị Nga, mỗi năm anh chị nhập khoảng 600 con dê đực từ 15 đến 20kg về nuôi, sau ba tháng vỗ béo tại chuồng, dê đạt trọng lượng từ 35 – 40 kg/con chị lại xuất bán một lứa. Mỗi lứa xuất khoảng 200 con với giá bán như hiện nay từ 130 -150 nghìn đồng/kg, gia đình chị cũng thu về gần 300 triệu/lứa, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí, một năm anh chị xuất bán được 3 lứa tính cho thu nhập lên tới gần tỷ đồng.
Chị Nga cho biết nhờ nuôi dê vỗ béo để lấy thịt mà gia đình chị có nguồn thu nhập lớn, đồng thời mở ra hướng phát triển chăn nuôi, làm giàu mới cho nhiều hộ chăn nuôi trong xã. Để có được thành công trong nghề vỗ béo dê lấy thịt, theo chị Nga, hai yếu tố quan trọng nhất đó là giống và chuồng trại để nuôi dê. Chị cho biết, để có được đàn dê khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển nhanh thì việc lựa chọn giống dê để vỗ béo là rất quan trọng. Đối với những con dê đực phải là những con có ngoại hình khỏe mạnh, vạm vỡ, bốn chân vững chắc, nhanh nhẹn và có hai tinh hoàn to đều. Đối với những con dê cái nên chọn những con có thân hình nở nang, cân đối, bộ lông bóng mượt, ngực sâu, bầu vú nở rộng. Bên cạnh đó chị cũng rất chú trọng tới việc thiết kế chuồng trại sao cho thuận tiện trong quá trình vệ sinh. Mặt chuồng cách sàn từ 0.7 – 1m, sàn được làm bằng tre, lứa tạo những khe hở đủ để phân dê lọt xuống, đặc biệt dưới sàn chuồng anh chị thường căng lưới dưới mỗi ô nuôi để hứng phân, như vậy vừa sạch sẽ lại tiết kiệm được công lao động. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi dê vỗ béo của gia đình chị Nga, nhiều hộ dân trong xã đã đến tìm hiểu và học tập kinh nghiệm chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thận thôn Bãi trại cũng là một trong những hộ nuôi dê có tiếng tăm trong xã. Ông bắt đầu học cách nuôi dê từ năm 2016, đến nay quy mô đàn của gia đình luôn duy trì 100 con. Ông Thận cho biết, do tận dụng được nguồn thức ăn phong phú của địa phương nên nuôi dê không tốn kém mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt giống dê lai Bách Thảo có khả năng tăng trọng tốt, con trưởng thành có thể nặng tới 60-70kg. Với giá bán bình quân 130.000 đồng/kg dê thịt như hiện nay thì mô hình vỗ béo dê đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Cũng theo ông Thận, muốn chăn nuôi dê hiệu quả thì người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho chúng, chuồng nuôi dê phải luôn khô ráo và thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Bên cạnh đó, người nuôi phải thường xuyên làm công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, đồng thời tiêm phòng dịch bệnh cho đàn dê. Hiện nay nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi mà đàn dê của gia đình ông và nhiều hộ dân trong xã phát triển có chất lượng tốt, sản phẩm dê khi xuất bán được các thương lái ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên đến tận nơi thu mua.
Ông Khổng Trọng Thủy, cán bộ Thú y xã Lan Giới chia sẻ: khoảng 3 năm trở lại đây số lượng đàn dê trên địa bàn đã tăng lên đáng kể, có nhiều hộ mở rộng quy mô từ vài chục con lên tới vài trăm con do nhận thấy điều kiện tự nhiên nơi đây rất thích hợp để vỗ béo dê lấy thịt. Đặc biệt trên địa bàn xã có nhiều hộ nuôi dê lâu năm nên có nhiều kinh nghiệm trong việc vỗ béo dê thịt như các hộ của chị Nga, ông Thận. Chính những hộ nuôi dê thành công đã tạo động lực thúc đẩy những hộ khác tham gia và là cầu nối trong cung cấp dê giống và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi dê.
Như vậy có thể khẳng định mô hình chăn nuôi dê ở Lan Giới đã thực sự có sức lan tỏa rộng, giúp bà con nơi đây thoát nghèo bền vững, mở ra hướng làm giàu cho nhiều hộ dân khác đồng thời giúp địa phương có hướng phát triển mới trong chăn nuôi.
Nguyễn Thanh (Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang)