BVR&MT – Những cam kết rộng mở trong EVFTA cả về thương mại và đầu tư sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu mở rộng đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hợp tác, tăng cường chuyển giao công nghệ.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6/12, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA về nhập khẩu nguyên liệu, máy móc từ EU để gia tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã tận dụng tương đối tốt những lợi ích, lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp và các hàng hóa của Việt Nam chưa đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật và cụ thể những tiêu chuẩn về vấn đề môi trường xã hội trong những chính sách của EU.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt có thể thông qua EVFTA để tận dụng nguồn đầu tư, máy móc, nguyên liệu và công nghệ từ châu Âu, để từ đó thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra hàng hóa có chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường hơn, phù hợp với xu hướng của tiêu dùng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho rằng, việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh, đầu tư kinh doanh thông thoáng là điều kiện không chỉ tốt cho doanh nghiệp từ phía EU, mà kể cả đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Từ phía EU, kể cả từ cấp Chính phủ, cũng như doanh nghiệp đều có những xu hướng thúc đẩy hoạt động đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Vì vậy, sự chuyển hướng của nhà đầu tư từ EU sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là xu hướng lớn.
Ngoài ra, khi EU tìm đến một địa điểm đầu tư mới có nhiều mạng lưới FTA với các đối tác khác cũng là điểm cộng để nhà đầu tư EU tận dụng ưu đãi thuế, quy tắc xuất xứ, từ đó xuất khẩu sang các thị trường khác. Bên cạnh đó là xu hướng đầu tư gắn với tiêu chuẩn phát triển bền vững, bởi EU coi trọng ý thức gắn với phát triển, tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Để làm được điều này, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Chỉ cần một vài doanh nghiệp không đáp ứng sẽ tạo hiệu ứng xấu cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Do đó, bên cạnh chuyển biến từ doanh nghiệp, vai trò của các bộ, ngành và hiệp hội trong việc chia sẻ thông tin, nhằm đáp ứng xu hướng mới của nhà đầu tư EU là cần thiết.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC nhấn mạnh, EVFTA là điều kiện tuyệt vời nếu doanh nghiệp biết đón đầu và nghiên cứu, chuẩn bị hành trang. Đặc biệt, 5 năm tới, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao. Đặc biệt, DKNEC may mắn có tới 23 đối tác ở châu Âu và một loạt quốc gia khác, nên thuận lợi hơn trong việc gia tăng xuất khẩu.
Còn theo bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, EVFTA là điểm nhấn thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ theo EVFTA. Các cơ quan quản lý Việt Nam cần tăng cường hiệu quả thực thi Hiệp định để xây dựng và sửa đổi những văn bản luật liên quan để gia tăng thương mại, đầu tư EU vào Việt Nam.
EU là một trong những khu vực quan trọng với những kênh phân phối lớn, nên Bộ Công Thương sẽ phối hợp với nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn của châu Âu để tổ chức các sự kiện lớn, quảng bá hàng hóa Việt Nam sang các nước khu vực EU trong năm 2023.