BVR&MT – Phát huy lợi thế sản xuất một số loại vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, là mục tiêu cơ bản trong Ðề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 984/QÐ-BNN-CN ngày 9-5-2014.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Ðề án vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn về thị trường, dịch bệnh… Ðể hướng tới một nền chăn nuôi đủ khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững, cần phải tái cơ cấu một cách khoa học và bài bản hơn.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi nước ta đã có bước chuyển mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng, từ nông hộ quy mô nhỏ sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đạt hơn 500 triệu USD, đóng góp một phần vào tăng trưởng chung ấn tượng của ngành nông nghiệp.
Từ tín hiệu khởi sắc…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn đạt từ 4 – 6%/năm. Năm 2019, ước tính tổng đàn gia cầm của cả nước tháng 8 tăng khoảng 10%, đàn bò tăng khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò, gia cầm ở mức cao cho nên người chăn nuôi có lãi. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi (SPCN) tháng 8 ước đạt 64 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các SPCN tám tháng năm 2019 ước đạt 449 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nước ta đã xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản, thịt lợn, sữa đông lạnh, trứng vịt muối, trứng chim cút đóng hộp, giống gia cầm (từ 1,25 – 1,5 triệu con) sang một số nước. Việt Nam cũng đang sở hữu bộ giống gia cầm đa dạng, gồm các giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng, kiêm dụng; các giống từ nguồn nhập ngoại, nguồn gien quý trong nước và chọn tạo ra các dòng giống mới, gồm: Gà Ðông Tảo (Hưng Yên), gà mía Sơn Tây (Hà Nội), gà Tiên Yên (Quảng Ninh); các giống vịt có năng suất cao của Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp. Trên cả nước hiện có nhiều vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tập trung ở Sơn La, Hà Nội, Nghệ An, Lâm Ðồng; vùng chăn nuôi lợn, gia cầm tại đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Ðông Nam Bộ; với 282 trang trại áp dụng nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, có hơn 1,1 triệu con lợn. 437 trang trại chăn nuôi gia cầm thực hiện theo quy trình VietGAP, với tổng sản lượng thịt gần 17 nghìn tấn. Chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng phát triển (mô hình của các doanh nghiệp CP, Vinamilk, TH, DABACO, Bình Hà, Thái Dương, DTK… Liên kết chuỗi từ sản xuất đến thị trường hình thành ở nhiều địa phương. Ðiển hình như mô hình liên kết chăn nuôi bò sữa theo chuỗi của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, với 12 trang trại bò sữa quy mô lớn và hiện đại ở Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bình Ðịnh, Tây Ninh…, mỗi ngày cung cấp hơn 750 tấn sữa nguyên liệu. Ngoài ra, nước ta đã sản xuất thành công vắc-xin lở mồm long móng, vắc-xin lợn tai xanh, góp phần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc.
Theo các chuyên gia, tín hiệu khởi sắc này chứng tỏ ngành chăn nuôi nước ta có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi; chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, chế biến sâu và phát triển thị trường SPCN, chú trọng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho các ngành hàng, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hội, hiệp hội. Ðẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu; ứng dụng khoa học – công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cả về con giống và trang thiết bị, tạo đàn giống thích hợp cho từng vùng sinh thái; nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.
Trong quá trình triển khai, một số địa phương tiến hành tái cơ cấu chăn nuôi khá căn cơ. Hà Nội, địa phương nằm trong tốp đầu chăn nuôi cả nước là một minh chứng khá rõ nét. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng, thành phố đã chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ngoài khu dân cư, với 15 vùng chăn nuôi tập trung, gồm: Hai vùng chăn nuôi bò sữa (ở huyện Ba Vì, Gia Lâm), bốn vùng chăn nuôi lợn (Sơn Tây, Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai) và chín vùng chăn nuôi gia cầm (Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ðông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai và Sóc Sơn). Nhờ áp dụng chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi ngành hàng, mỗi năm ngành nông nghiệp thành phố sản xuất được hàng triệu con bê, bò, lợn, gà, vịt giống. Các dự án: Chuỗi sản xuất và cung cấp SPCN bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo bò BBB trên nền bò lai sind thành đàn bò F1 hướng thịt thực hiện từ năm 2012 đến nay mang lại hiệu quả rõ rệt. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội Bùi Ðại Phong, một trong những đơn vị có nhiều thành công trong lĩnh vực lai tạo giống ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía bắc, chia sẻ: Bò BBB dễ nuôi, khả năng sinh sản tốt, tỷ lệ thịt là 63%, cao hơn từ 10 – 12% so với giống bò thông thường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Thành phố cũng xây dựng được một số chuỗi theo mô hình khép kín với chủ thể là công ty, hợp tác xã (HTX) trực tiếp sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm như chuỗi thịt lợn AZ của HTX Hoàng Long, trứng gà 729 Ba Vì, chuỗi thực phẩm Nam Hà Nội… Thí dụ như HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Ðông (Sơn Tây) đã liên kết nhiều hộ chăn nuôi cùng mua giống, thức ăn, lập quỹ hỗ trợ cho vay vốn trong HTX và xuất bán sản phẩm, tham gia quảng bá, xây dựng thương hiệu tại các hội chợ. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, giá trị SPCN ứng dụng công nghệ cao chiếm 45% giá trị sản xuất chăn nuôi của thành phố.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn xây dựng được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ SPCN với sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ðiển hình là Tập đoàn Hùng Nhơn liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi SPCN công nghệ cao khép kín, gồm: Công ty Bel Gà (của Bỉ, cung cấp con giống), Tập đoàn De Heus (Hà Lan, cung cấp thức ăn chăn nuôi), Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước, tổ chức sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn), Công ty Koyu & Unitek (Ðồng Nai, chế biến và giết mổ) xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gà sang thị trường “khó tính” Nhật Bản. Tính đến cuối năm 2018 đã xuất khẩu chính ngạch được 171 lô thịt gà chế biến sang “xứ sở hoa anh đào” với tổng khối lượng đạt gần 1.500 tấn, có giá trị hơn sáu triệu USD. Từ đầu năm 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng xuất sang Nhật Bản khoảng 150 tấn thịt gà.
… Ðến sức ép cạnh tranh
Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm nay. Ðây là cơ hội để nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm sản, thủy sản, rau quả… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tham gia “sân chơi” này, ngành hàng chăn nuôi dễ bị “tổn thương” khi phải chịu sức ép do sức cạnh tranh chưa đủ mạnh. Việc xóa bỏ thuế quan sẽ tạo cơ hội để thịt lợn, thịt gà, thịt bò đông lạnh, các sản phẩm từ thịt, sữa… của các quốc gia khác xuất khẩu số lượng lớn vào thị trường Việt Nam, trong khi chất lượng SPCN trong nước chưa bằng hàng nhập khẩu, giá thành lại cao hơn một số nước thành viên CPTPP. Ngoài ra, nhiều mặt hàng vẫn phải nhập khẩu, nhất là thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 8-2019 ước đạt 318 triệu USD; đưa tổng giá trị thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu tám tháng năm 2019 lên 2,53 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2018. Cùng với đó, CPTPP cũng quy định khắt khe về vùng an toàn dịch bệnh, các thị trường của khối nổi tiếng “khó tính” như: Nhật Bản, Chi-lê, Xin-ga-po…, có hàng rào kỹ thuật yêu cầu tương đối cao đối với SPCN từ nước khác. Hiện Việt Nam chỉ có 50 vùng (cấp quận) và gần 1.100 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, còn quá thấp so với yêu cầu đặt ra; trong khi đó vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thật sự bảo đảm. Ðể có thể hội nhập tốt khi tham gia CPTPP, ngành chăn nuôi phải xử lý được “một số nút thắt nội tại”, chú trọng phát triển những SPCN có tiềm năng và lợi thế theo hướng tăng nhanh năng suất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.