Tác phẩm tường cổng và tường rào điểm nhấn trong phong trào nông thôn mới

BVR&MT – Rời xa phố thị sầm uất, về thăm ngôi làng nhỏ Yên Trường yên bình, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) hỏi ông Trịnh Nhân Kỳ thì ai cũng biết bởi ông là chủ nhân của tác phẩm tường cổng và tường rào bằng cây ô – rô tuyệt đẹp. Suốt 30 năm qua, ông cần mẫn chăm sóc, cắt tỉa loại cây này thành một tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên đẹp mắt, trở thành một điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp và xây dựng nông thôn mới.

Tường rào bằng cây ô – rô dai 25m, đến nay đã được 30 năm tuổi.

Những năm trở lại đây những ngôi nhà trong quần thể dân cư, dần trở nên thiếu màu xanh của bóng cây và thay vào đó là những bờ tường gạch, những hàng rào sắt trở nên phổ biến. Điều đó cho thấy sự phát triển đi lên của đời sống kinh tế xã hội và sự thay đổi trong tư duy của người dân. Nhưng đằng sau đó lại là mối nguy đối với môi trường sống khi cây xanh dần bị vắng bóng. Nhằm mục đích làm đẹp cảnh quan làng xóm đồng thời dấy lên thông điệp tích cực trồng cây xanh để bảo vệ môi trường, tại nhiều địa phương đã phát động phong trào trồng cây bóng mát trồng hoa ven đường, tạo cảnh quan xanh mát và góp phần bảo vệ môi trường.

Xuất thân con nhà nông ở xã Trường Yên, ngay từ thời thanh niên ông Trịnh Nhân Kỳ đã rất thích chơi cây cảnh. Đi dọc trên những con đường làng quê Yên Trường, ông đã mê mẩn những hàng tường rào bằng cây dâm bụt, cây bô-rô rồi đến những gốc cây cổ thụ. Từ đó đã thôi thúc ông sớm có ý tưởng trồng, chăm sóc cây xanh và tạo hình cho cây thành cổng và tường rào để làm đẹp cho ngôi nhà cũng như làm đẹp cho làng xóm. Hơn 30 năm qua, tác phẩm làm cổng và tường rào bằng cây ô – rô của ông đã được bà con nhân dân thán phục và ngợi khen, góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương xã Trường Yên.

Ông Kỳ cho biết loại cây này nguồn gốc từ Pháp, ngày xưa rất nhiều nhưng bây giờ khá hiếm.

Ông chia sẻ: “Loại cây này rất khó tính, ông trồng từ năm 1992, đến năm thứ 8 cây bắt đầu đẹp. Tuy nhiên nếu người nào không kiên trì thì khó mà chăm được cây này. Mỗi tháng nó ra rất ít lá, mình cứ phải chờ rồi mới cắt tỉa, cải tạo nhiều năm mới ra được sản phẩm như này.”

Lý giải cho việc tại sao chọn hình cổng để tạo hình cho cây thay vì lựa chọn một con vật hay hình dáng đơn giản hơn ông cũng cho biết, một phần về phong thủy, về vị trí địa lý tạo hình cổng sẽ đẹp hơn. Mở ra một không gian rộng rãi. Thứ 2 là ông dựa trên hình mẫu của cổng đình, ông muốn lưu lại một nét văn hóa truyền thống của vùng quê mình.”

Người dân nơi đây, đặc biệt là các cụ bảo chiếc cổng và tường bao bằng cây ô – rô của ông Kỳ là một tài sản vô cùng quý giá. Vì hiện nay tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã xóa sổ nhiều cây cổ thụ, lại ít cây xanh làm cho nét đặc trưng của làng quê Bắc bộ đã hiếm nay lại hiếm hơn. Chính vì vậy, việc làm của ông Kỳ rất ý nghĩa, không chỉ là cách để bảo lưu một giá trị truyền thống, mà còn nhắc nhở mọi người hãy yêu cây, bảo vệ cây; mỗi người bằng những việc làm nhỏ góp phần tô điểm cho làng quê ngày càng thêm đẹp, thêm xanh.

Trước sân nhà là rất nhiều loại cây cảnh, được công chăm bón và cắt tỉa tạo nên một không gian xanh cho gia đình.

Trước sân là cái ao nhà, thay vì để trống hoặc nuôi cá ông lại cùng mọi người trong thôn cải tạo, làm chỗ vui chơi cho trẻ con. Những ngày tuổi xế chiều, ngắm nhìn những lũ trẻ cười giòn tan, ngắm nhìn thành phẩm của mình hơn chục năm qua được mọi người biết đến mang tới cho ông một niềm hạnh phúc khó tả. Ông khiêm tốn bảo rằng: “Ông không nghĩ nó là điểm nhấn của làng quê, trước mắt nó chỉ đẹp nhà mình. Nhưng khi làm xong ông thấy giá trị của nó hơn thế. Không năm nào ông không có khách. Không có cây này người ta cũng chẳng biết đến nhà mình. Có rất nhiều bạn sinh viên, thầy cô Trường sân khấu Điện ảnh về đây tham quan để làm luận án, nhà lúc nào cũng đông vui”.

Niềm vui đơn giản đó không chỉ lan tỏa một lối sống tích cực cho người dân mà suốt gần 20 năm qua, chiếc cổng và tường bao bằng cây của gia đình ông Trịnh Nhân Kỳ đã hiện diện và cống hiến cho cảnh quan của thôn Yên Trường, xã Trường Yên một công trình nghệ thuật giá trị. Không chỉ có du khách về check in chụp ảnh, nhiều thợ làm cây cảnh khắp các tỉnh lân cận cũng đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm từ ông Kỳ.

Một công trình cổng, tường bao bằng cây xanh và hơn thế nữa công trình đó lại được kế hợp với nếp nhà cổ, phía trước là hồ nước đã trở thành một giá trị mà bất kỳ ai đi qua cũng phải ngỡ ngàng, trầm trồ thán phục.

Chiếc cổng và tường bao xanh mướt này, được đánh giá là  công trình nghệ thuật giá trị đã góp phần tích cực vào việc làm đẹp cảnh quan môi trường, kiến tạo môi trường sống xanh,  xây dựng nông thôn mới ở địa phương xã Trường Yên.

Hà Linh