BVR&MT – Nắng tháng 4 trải dài trên cánh đồng bát ngát. Lúa vụ đông xuân vừa chín tới, được mùa chưa từng có. Những chiếc máy gặt đập liên hợp đang tăng công suất gặt lúa giúp dân. Xa xa, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sôi động những công trình xây dựng. Trên vùng đất cách mạng huyện Hải Lăng, 45 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước đang có rất nhiều đổi thay đáng mừng.
Mảnh đất anh hùng
Chúng tôi trở lại Hải Lăng, một huyện phía nam của tỉnh Quảng Trị vào những ngày tháng 4 lịch sử. Ðồng chí Lê Văn Hoan, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, vào mùa xuân hè 1975 là Bí thư Huyện ủy Hải Lăng; đồng chí Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, lúc đó là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường trực Ðảng ủy vùng tạm bị địch chiếm, Bí thư Thị ủy Quảng Hà, xúc động khi trở lại chiến trường xưa, nơi các đồng chí từng tham gia chỉ huy chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Hai đồng chí kể, cuối năm 1974, đầu năm 1975, phần đất phía nam của Quảng Trị đang nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền miền nam cũ. Ðược sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Ðảng ủy mặt trận Trị Thiên – Huế để lãnh đạo, chỉ đạo tình hình cách mạng khu vực này. Khi điều kiện chín muồi và được cấp trên cho phép, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị ra quyết tâm mở chiến dịch giải phóng bộ phận nông thôn đồng bằng còn lại bị địch kiểm soát. Với tinh thần chỉ đạo nêu trên, quân dân Quảng Trị vừa chuẩn bị lực lượng vừa tiến công địch, chỉ trong một tháng từ ngày 20/1 đến 20/2/1975 đã đánh 35 trận lớn nhỏ, thu hẹp dần sự kiểm soát của quân địch.
Ðồng chí Nguyễn Minh Kỳ cho biết, khi ấy chúng ta xác định đánh vào Chi khu quân sự Mai Lĩnh, nay ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng là trọng điểm mở màn giải phóng tỉnh Quảng Trị, cho nên từ giữa tháng 1/1975, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị điều động Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 10 đặc công… cùng các đại đội địa phương, dân quân du kích vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Theo đúng giờ G, đêm 8/3, quân dân Quảng Trị mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị với hàng loạt trận đánh vào các cao điểm 112, 118… Chỉ trong 10 ngày tiến công áp đảo, chúng ta đã làm lung lay tận gốc rễ, địch đứng trước nguy cơ sụp đổ; đến chiều 19/3, địch phải rút chạy vào Thừa Thiên Huế. Niềm vui chiến thắng vỡ òa. Sau 21 năm trường kỳ chiến đấu Quảng Trị sạch bóng quân địch. Trên đà thắng lợi, các lực lượng vũ trang Quảng Trị tiếp tục chiến đấu góp phần quan trọng vào giải phóng thành phố Huế vào ngày 26/3.
Cách đây 45 năm, khi đất nước chưa thống nhất, quân và dân cả nước luôn hướng về Quảng Trị. Vì Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền nam được giải phóng từ ngày 1/5/1972 trong tiến trình hướng đến độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trên thực tế đến trước tháng 3/1975 vẫn còn 15% diện tích đất ở phía nam do Việt Nam cộng hòa tái chiếm, nắm giữ. Do đó, Trung ương quyết tâm giải phóng hoàn toàn Quảng Trị càng sớm càng tốt. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nếu chiến dịch Tây Nguyên với điểm đột phá mở màn giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột của Ðắk Lắk là trận quyết chiến chiến lược thứ nhất trên toàn bộ chiến trường miền nam, thì chiến dịch giải phóng Quảng Trị với tính chất, quy mô và tác động to lớn được xem là trận quyết chiến chiến lược thứ hai, mở toang cánh cửa tiến đến giải phóng Huế, Ðà Nẵng, Ðồng Nai và cuối cùng giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, những nắm cơm chia đôi, những bát nước chè xanh uống vội, quân dân Quảng Trị sẵn sàng nhường cái ăn, có khi nhường cả sự sống che chở cách mạng. Ðó chính là tấm tình sâu nghĩa nặng của họ đối với sự nghiệp giải phóng đất nước.
Huyện Hải Lăng có 16 xã, thị trấn, nhiều tên đất tên làng hôm nay đã gắn liền với những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc giai đoạn 1954-1975, như các di tích: Dũng sĩ Phường Sắn, ngã ba Long Hưng, Chi khu quân sự Mai Lĩnh… Toàn huyện có hơn 70 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Hải Lăng được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ; 20 tập thể và bảy cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 221 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 3.513 liệt sĩ. Riêng xã Hải Thượng sau ngày thống nhất đất nước có đến 438 người con hy sinh trong thời gian 1954-1975 ngay trên mảnh đất quê hương; 92 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 1.700 thương, bệnh binh… trong lúc Hải Thượng lúc ấy có chưa đầy 3.000 người dân.
Trọng điểm phát triển kinh tế
Ðau thương mất mát nhiều nhất trong chiến tranh nhưng Hải Thượng có sức bật mạnh mẽ nhất sau ngày hòa bình. Ðịa phương được xem là mô hình mẫu về xây dựng Ðảng và phát triển kinh tế của huyện Hải Lăng. Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Anh cho biết, chỉ còn một tiêu chí nữa về y tế là Hải Thượng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Hải Lăng. Nếu như Hải Thượng là mô hình mẫu về phát triển nông nghiệp, dịch vụ… thì xã Hải Phú là địa phương có chất lượng sống thuộc nhóm cao nhất huyện. Bí thư Ðảng ủy xã Hải Phú Trương Công Văn cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, Ðảng bộ xã rất chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc, nổi cộm để xây dựng nghị quyết, quan tâm công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết của Ðảng, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết làm rõ những kết quả đạt được, yếu kém, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ðáng chú ý, Hải Phú sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về tích tụ ruộng đất, thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ, phát triển kinh tế vùng gò đồi theo hướng trang trại chuyên canh cam K4, cây dược liệu, phát triển rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững, chăn nuôi theo hướng hữu cơ… Ðây là những sản phẩm chủ lực có hiệu quả kinh tế cao để cải thiện đời sống nhân dân.
Ðồng chí Phạm Ðình Lợi, Quyền Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Phạm Ngọc Minh, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng cho biết: Hải Lăng đã có nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội rất phù hợp, sáng tạo, đó là phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ cao theo chuỗi giá trị và công nghiệp với điểm nhấn là phần lõi của Khu kinh tế Ðông Nam Quảng Trị. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đến cuối năm 2019 đạt hơn 51 triệu đồng, phấn đấu cuối năm 2020 đạt 59 triệu đồng/người/năm, gấp 16 lần so với năm 1990.
Là một huyện có tổng diện tích lúa hai vụ hơn 13.500 ha, trong đó lúa chất lượng cao hơn 8.000 ha, nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa của Hải Lăng luôn cao nhất tỉnh Quảng Trị, đạt trung bình gần 62 tạ/ha. Thời gian qua, sự chuyển dịch trong ý thức của người dân huyện Hải Lăng rất đáng tự hào. Nhân dân, nhất là nông dân đã mạnh dạn đổi mới trong việc tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường. Ðây là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám nuôi, trồng những gì khác hơn con lợn, cây lúa, trên diện tích lớn.
Cùng với phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Hải Lăng có sáu xã nằm trong Khu kinh tế Ðông Nam Quảng Trị. Con đường trung tâm trục dọc vào khu kinh tế này dài hơn 23 km, có chiều rộng nền đường 50 m, mặt đường 34 m thảm nhựa láng tạo thêm vóc dáng công nghiệp cho huyện. Huyện tích cực cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động dịch vụ công để tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đến với địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, Hải Lăng là một Ðảng bộ đoàn kết, sáng tạo, đó là nguyên nhân quan trọng nhất giúp huyện luôn có sức bật mới và đạt được hiệu quả mọi mặt từ 45 năm qua. Những bước đi vững chắc của Ðảng bộ và nhân dân huyện luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh bằng những chủ trương, chính sách thông thoáng cho nên Hải Lăng đã sớm trở thành vùng đất đi đầu trong quá trình đổi mới, phát triển của tỉnh Quảng Trị.