BVR&MT – Nghị quyết 100/NQ-HĐND được ban hành năm 2017 có nhiều “sạn”, nhiều diện tích là “rừng trên giấy”, không có trong thực tế, nên điều chỉnh quy hoạch rừng sẽ giúp công tác bảo vệ, phát triển rừng tại tỉnh thực chất hơn.
Cho rằng kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tại Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 (nhiệm kỳ 2019-2020) bị sai lệch, không còn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai trình Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ mới (2021-2026) xem xét, thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch, rừng giai đoạn 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, về tổng thể, quy hoạch rừng của Gia Lai giảm 18.000 ha. Đáng chú ý, diện tích rừng sản xuất được kiến nghị bổ sung hơn 32.000 ha và đưa hơn 44.000 ha ra khỏi quy hoạch rừng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, tại Tờ trình số 1005/TTr- UBND gửi kỳ họp, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị điều chỉnh giảm diện tích 3 loại rừng thuộc quy hoạch giai đoạn 2025, tầm nhìn 2030 của tỉnh từ 741.253 ha theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 xuống còn 723.156 ha, tức là giảm hơn 18.097 ha.
Trong đó, so với Nghị quyết ban đầu, diện tích rừng đặc dụng được điều chỉnh tăng hơn 23.000 ha (từ hơn 59.201 ha lên hơn 82.208 ha), diện tích rừng phòng hộ được điều chỉnh tăng 5.700 ha (từ 144.507 ha lên 150.374 ha).
Diện tích rừng sản xuất bị điều chỉnh nhiều nhất. Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị bổ sung thêm hơn 32.522 ha khác nằm ngoài 3 loại rừng vào diện tích rừng sản xuất của địa phương. Song song đó chuyển 36.590 ha sang quy hoạch rừng đặc dụng rừng phòng hộ; chuyển 44.194 ha sang mục đích sử dụng khác.
Các vùng rừng được kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch, chủ yếu thuộc Dự án Thuỷ lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông), thủy lợi Ia Thul (huyện Ia Pa và Krông Pa) và các dự án khác như quy hoạch năng lượng, hạ tầng thu hút đầu tư, du lịch… Sau khi được điều chỉnh, diện tích rừng sản xuất giảm hơn 47.200 ha.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của UBND tỉnh Gia Lai, trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về việc điều chỉnh quy hoạch rừng, ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc, phụ trách mảng lâm nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai cho biết, trong các dự án điện gió, có một số nằm trên diện tích đất lâm nghiệp cũ (Nghị Quyết 100/NQ-HĐND).
Đất rừng chỗ nào phát triển rừng sản xuất, chỗ nào phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hay chỗ nào để phát triển kinh tế đều được quy hoạch. Quy hoạch phải khoa học, hệ thống, gắn liền hiện trạng tài nguyên trên đó.
Ngoài việc điều chỉnh quy hoạch rừng để phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, việc điều chỉnh Nghị quyết 100/NQ-HĐND còn giúp quy hoạch rừng đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của ngành Tài nguyên Môi trường tỉnh; phù hợp với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng ý cho chuyển sang trồng cây khác tại một số vị trí trồng cao su không hiệu quả.
Cũng tại họp báo thường kỳ quý II của UBND tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Lộc – Phó Chánh phụ trách Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Nghị quyết 100/NQ-HĐND được ban hành năm 2017 có nhiều “sạn”, nhiều diện tích là “rừng trên giấy”, không có trong thực tế, nên điều chỉnh quy hoạch rừng sẽ giúp công tác bảo vệ, phát triển rừng tại tỉnh thực chất hơn.
“Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành, cũng chính HĐND cho phép rà soát, điều tra lại để điều chỉnh Nghị quyết 100, phát hiện quá nhiều sạn trong đó. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chấp nhận một lần rà soát chính xác, khoa học, để từ nay không thể nói là “rừng trên giấy” nữa, mà rừng chỗ đó thực sự là rừng” – ông Nguyễn Văn Lộc cho biết.
Cũng liên quan tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, báo cáo tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Gia Lai ngày 9/8 cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, địa phương phát hiện 197 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử lý hình sự 19 vụ, xử lý hành chính 140 vụ; Tỉnh mới chỉ hoàn thành trồng mới hơn 131 ha rừng trong kế hoạch cả năm là 8000 ha, trong khi đó lại để xảy ra 9 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 173 ha.