BVR&MT – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2019/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
Theo đó, Nghị định số 65/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về vận hành công trình thủy lợi. Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không có quy trình vận hành công trình thủy lợi nhỏ theo quy định; đối với công trình thủy lợi vừa thì mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng và đối với công trình thủy lợi lớn hoặc quan trọng đặc biệt thì mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Nghị định cũng bổ sung mức phạt vi phạm quy định trong việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi, trong đó phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định trong quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi nhỏ đã được phê duyệt mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng hành vi này đối với hồ chứa thủy lợi vừa thì mức phạt là từ 50-70 triệu đồng; đối với hồ chứa thủy lợi lớn thì mức phạt là từ 70-90 triệu đồng và đối với hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt thì mức phạt là từ 90-100 triệu đồng.
Ngoài ra, mức phạt vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi cũng được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; nuôi trồng thủy sản trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; phá dỡ, xê dịch mốc chỉ giới, biển báo của công trình thủy lợi hoặc tự ý đấu nối kênh, đường ống dẫn nước; hoạt động nghiên cứu khoa học, trồng cây lâu năm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đào đắp ao, hồ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi: Không gửi báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo nội dung và thời gian quy định; không thực hiện kiểm tra đập, hồ chứa thủy lợi theo nội dung và chế độ quy định; không có hoặc không tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công; không thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định; không thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi; không có hoặc không thực hiện phương án bảo vệ đã được phê duyệt; không có hoặc không rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm hoặc không thực hiện phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt.
Đối với các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm.
Giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nghị định 65/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 9/9/2019.
Thạch Thảo