BVR&MT – Tại huyện Quảng Trạch, mô hình nuôi vịt biển triển khai tại ba xã Quảng Thanh, Quảng Xuân và Cảnh Dương với hơn 1.500 con.
Thời gian gần đây, nhiều nơi tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi vịt biển, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển chuyển đổi nghề ngay tại quê nhà. Được Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch hỗ trợ 100% con giống, 50% nguồn thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật, gia đình anh Nguyễn Văn Huệ ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch thả nuôi 600 con vịt biển Đại Xuyên 15. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, tỷ lệ vịt sống đạt 94%, trọng lượng bình quân mỗi con gần 2,5 kg.
Anh Huệ cho biết, sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 10 triệu đồng: “Tôi thấy giống vịt biển này phát triển tốt, hợp với môi trường, sức đề kháng cao, đặc biệt lớn rất nhanh. Vịt này rất thơm ngon, nếu tìm được đầu ra thị trường thì tôi sẽ nhân rộng”.
Tại huyện Quảng Trạch, mô hình nuôi vịt biển triển khai tại ba xã Quảng Thanh, Quảng Xuân và Cảnh Dương với hơn 1.500 con. Theo đánh giá của các hộ nuôi, giống vịt biển Đại Xuyên 15 phát triển nhanh hơn so với vịt địa phương, dễ nuôi, thích ứng với các vùng ven biển, thích ứng với môi trường khắc nghiệt.
Ông Tưởng Chí Thành, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, với mô hình nuôi vịt biển, người dân không cần vốn đầu tư nhiều, lại có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên.
“Đây là giống vịt mới rất phù hợp với địa phương về nguồn thức ăn và đặc biệt khả năng chống chịu bệnh rất tốt, sức đề kháng rất cao. Với nhiệt độ khắc nghiệt của Quảng Bình vịt đã phát triển rất tốt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu tích cực cho Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục cấp kinh phí để nhân rộng ra một số địa bàn, vừa đảm bảo tiêu thụ tại chỗ và phục vụ một số địa phương vùng lân cận” – ông Tưởng Chí Thành chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, sau khi nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển, nhiều bà con dùng khoản tiền này để đầu tư tái sản xuất, nhiều mô hình phát triển kinh tế bước đầu mang hiệu quả cao.
“Ngoài việc bà con đóng tàu mới, sửa chữa tàu để vươn khơi bám biển thì chuyển đổi nghề cũng được địa phương chú trọng. Ví dụ như chuyển đồi từ nghề câu sang nghề vây, chuyển đổi các mô hình sản xuất ở các xã ven biển ven sông như nuôi vịt biển và các làng nghề cũng phát triển” – ông Nguyễn Quang Ngọc cho biết./.