Sự cố tràn dầu đe dọa rừng ngập mặn và rạn san hô của Brazil

BVR&MT – Hàng trăm km rừng ngập mặn và rạn san hô – nơi sinh sản của cá voi lưng gù – đang bị đe dọa do một sự cố tràn dầu làm ô nhiễm hơn 2.400 km bờ biển phía đông bắc Brazil trong hai tháng qua.

Ngư dân Valeria Maria de Alcantara dọn dầu thô khỏi rừng ngập mặn ở Cabo de Santo Agostinho, bang Pernambuco. (Ảnh: Nelson Almeida/AFP/Getty Images).

Hải quân Brazil huy động 8.500 nhân viên, 30 tàu và 17 máy bay trong chiến dịch để dọn dẹp và hiện họ cho biết đã thu gom được 4.200 tấn dầu khỏi các bãi biển. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại dầu đã đi vào chuỗi thức ăn.

Guilherme Dutra, Giám đốc chương trình bảo tồn biển tại Brazil thuộc Conservation International cho biết: “Nhiều tác động gián tiếp vẫn chưa thể hiện ra. Nguy cơ ô nhiễm chuỗi thức ăn là rất cao, đặc biệt ở những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp”.

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn và rạn san hô đặc biệt dễ bị tổn thương và loại bỏ dầu khỏi chúng là một quá trình tỉ mẩn, chuyên biệt và lâu dài. Sử dụng chất tẩy rửa để loại bỏ dầu có thể làm hỏng các rạn san hô, còn rễ cây ngập mặn cần được làm sạch bằng tay.

Một tình nguyện viên xòe đôi găng tay dính đầy dầu thô từ vụ tràn dầu ở bãi biển Praia de Busca Vida, bang Bahia. (Ảnh: Mateus Morbeck/AFP/Getty Images)

Cơ quan môi trường của chính phủ Brazil IBAMA đếm được 126 sinh vật biển bị ảnh hưởng bao gồm 24 cá thể chim biển và 88 cá thể rùa, trong đó 95 cá thể đã chết. 3.900 cá thể rùa con khác đã được các cơ quan chính phủ và các trường đại học bắt và chuyển đến nơi an toàn.

Hải quân Brazil tiết lộ dầu đã lan đến Khu bảo tồn biển Abrolhos ngoài khơi bang Bahia – nơi bao gồm một quần đảo, nhiều rạn san hô rộng lớn, khu vực sinh sản của cá voi lưng gù và được coi là nơi tập trung đa dạng sinh học biển lớn nhất Nam Đại Tây Dương.

Dutra, nhà sinh vật học đã làm việc nhiều ở Abrolhos lo lắng những loài cá sống ở rạn san hô như Scarus trispinosus – một loài cá mó lưng xanh được gọi là Budião-azul trong tiếng Bồ Đào Nha – cũng như san hô Mussismilia có thể bị đe dọa.

Flavio Lima, Giáo sư sinh học thuộc Đại học bang Rio Grande do Norte khẳng định dầu này có thể khiến các rạn san hô chết và điều đáng ngại là rừng ngập mặn ven biển Brazil được xem là trung tâm sinh sản quan trọng của nhiều loài cá.

“San hô không phải là một sinh vật hữu cơ, nó là một tộc quần, rất nhạy cảm với sự thay đổi thành phần của các chất dinh dưỡng. Ô nhiễm dầu có thể gây ra cái chết trên diện rộng của các tộc quần san hô”.

“Những khu vực rừng ngập mặn này là vườn ươm. Chúng ta đang chịu những tác động kéo dài của dầu, từ sự ô nhiễm các nguồn thực phẩm như tảo và động vật không xương sống cho đến khi nó chạm tới chuỗi thức ăn… Sự cố tràn dầu cũng là nguy cơ đối với người dân địa phương sống phụ thuộc vào động vật giáp xác như cua và tôm và động vật thân mềm như hàu và trai để sinh tồn”.

Một con cua đi trên dầu thô tràn ra bãi biển Itacimirim, thành phố Camacari, bang Bahia. (Ảnh: Mateus Morbeck/AFP/Getty Images).

Công ty dầu mỏ nhà nước Petrobras cho biết dầu khai thác từ ba mỏ của Venezuela. Cảnh sát Liên bang và hải quân Brazil bày tỏ một tàu chở dầu treo cờ Hy Lạp vận chuyển dầu thô từ Venezuela là nghi phạm chính, sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy đây là con tàu duy nhất gần một vệt dầu phát hiện cách bờ biển phía đông bắc Brazil 700 km vào ngày 28- 29/7, trên đường đến Nam Phi.

Công ty Delta Tankers, chủ sở hữu của tàu chở dầu Bouboulina – con tàu được Reuters xác định là có liên quan, đã phủ nhận trách nhiệm. Theo một tuyên bố của tông ty, con tàu “chở đầy dầu đi thẳng từ Venezuela vào ngày 19/7/2019, không dừng tại các cảng khác, để tới xả toàn bộ hàng ở Melaka, Malaysia”.

Maurício Cardim, 42 tuổi, người cho khách du lịch và các nhà nghiên cứu thuê thuyền ở Bahia và cũng là thành viên của nhóm tình nguyện dọn sạch bờ biển của bang này cho biết bằng chứng trên mặt đất chứng minh điều ngược lại.

“Tôi thấy cá chết, tôi thấy sứa… tôi thấy rất nhiều rong biển mà thường thì không thể không thấy vào thời điểm này trong năm, bị dầu phủ kín. Chúng tôi cần một giải pháp. Hiện chúng tôi đang làm sạch các bãi biển, vì chúng tôi sống nhờ biển”.

Nhật Anh (Theo Guardian)