Sự suy giảm của loài tê giác ảnh hưởng đến đa dạng thực vật rừng

Loài tê giác Sumatra cực kỳ nguy cấp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát tán hạt giống ở các khu rừng Đông Nam Á. Vì vậy sự suy giảm và biến mất của loài này đang ảnh hưởng đến cấu trúc của các cánh rừng này.

Trên các đảo Sumatra và Borneo của Indonesia, hiện chỉ còn chưa tới 80 con tê giác Sumatra. Những nỗ lực bảo tồn đang cố gắng giữ cho những loài động vật có vú cực kỳ nguy cấp này không bị mất đi vĩnh viễn. Tuy nhiên, trong khi các loài này đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng, một nghiên cứu mới cho thấy sự vắng mặt của chúng trong phần lớn phạm vi phân bố trước đây đã để lại một khoảng trống đáng lo ngại trong vai trò “kỹ sư sinh thái phân tán hạt giống”.

Dựa trên nghiên cứu thực nghiệm, kiến thức bản địa và các báo cáo đã công bố, một nghiên cứu trên Tạp chí Biotropica ghi nhận rằng tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) từng phát tán hạt giống của 79 loài thực vật.

Một số loài trong số các loài thực vật này còn được phát tán bởi voi Sumatra (Elephants maximus sumatranus), loài thú lớn duy nhất làm nhiệm vụ phân tán hạt còn lại trong khu vực.

Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy cả voi và các loài động vật nhỏ hơn đều không thể thay thế hoàn toàn tê giác Sumatra trong vai trò phân tán hạt giống, và hậu quả của sự mất mát này đang diễn ra ngay hiện tại.

Tác giả chính của nghiên cứu, Kim McConkey, Trường khoa học môi trường thuộc Đại học Nottingham Malaysia, cho biết sự suy giảm của tê giác Sumatra diễn ra gần đây. Một trăm năm trước, loài động vật khổng lồ này đã lang thang phần lớn Đông Nam Á trong các khu rừng và đồng cỏ ôn đới, nhiệt đới. Tuy nhiên, việc mất môi trường sống và áp lực săn bắn không ngừng đã tàn phá các quần thể động vật có vú sinh sản chậm này.

Đối với Rudi Putra, một nhà bảo tồn ở Hệ sinh thái Leuser phía bắc Sumatra, việc suy giảm loài tê giác đã ảnh hưởng rõ rệt đến khu rừng trong suốt 22 năm ông làm công tác bảo tồn tê giác Sumatra. “Ở những nơi không có tê giác, chúng tôi thấy những khu rừng rất rậm rạp và bị các bụi gai chiếm ưu thế. Tôi nghĩ rằng tê giác như một “trình duyệt” thực sự, giúp khu rừng trong lành hơn bằng cách ảnh hưởng đến thành phần loài trong tầng rừng. ”

Một con tê giác Sumatra tại Khu bảo tồn Tê giác Sumatra ở Công viên Quốc gia Way Kambas. Ảnh: Junaidi Hanafi /Mongabay-Indonesia.

Trong các khu rừng nhiệt đới, quá trình phát tán hạt giống thường nhờ động vật. Các loài thú lớn có thể nuốt cả một trái cây lớn, mang theo hạt trong ruột hàng dặm trước khi thải ra những hạt nguyên vẹn trong một đống phân giàu dinh dưỡng.

Khi sự tuyệt chủng của các loài phân tán hạt làm gián đoạn mối quan hệ hợp tác này, “con cái” của cây có thể bị mắc kẹt và phải cạnh tranh với “bố mẹ” và “anh chị” để tồn tại.

Đồng tác giả nghiên cứu, Ahimsa Campos-Arceiz thuộc Viện Nghiên cứu Đa dạng Sinh học Đông Nam Á của Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: “Tôi ngờ rằng tê giác quan trọng đối với các loài thực vật mà chúng phát tán hơn là quả của những loài này đối với tê giác.”

Do cơ hội để nghiên cứu tê giác Sumatra trong tự nhiên rất khan hiếm, McConkey và các đồng nghiệp đã tìm hiểu kiến ​​thức sinh thái bản địa địa phương để có được bức tranh rõ ràng hơn về chế độ ăn và khả năng phát tán hạt của tê giác.

Cuộc khảo sát này với người bản địa kết hợp với nghiên cứu thực địa và xem xét các tài liệu đã xuất bản đã giúp nhóm nghiên cứu xác định 79 loài được tê giác phân tán. Trong số này, voi chỉ phân tán 2/3.

Hơn nữa, voi và tê giác cũng khác biệt về hành vi. Voi di chuyển xa hơn, gắn với các tuyến đường mà chúng quen thuộc. Ngược lại, tê giác có phạm vi di chuyển nhỏ hơn, ngẫu nhiên hơn, qua các sườn dốc và địa hình hiểm trở.

Bằng chứng do McConkey và các đồng nghiệp thu thập chỉ ra rằng tê giác Sumatra là những kỹ sư sinh thái không thể thay thế trong việc định hình các khu rừng. Trong khi đó, tương lai của loài này đang còn rất rủi ro.

Bạch Dương (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ