BVR&MT – Ý tưởng thu thập dữ liệu về các loài rùa biển tại Sri Lanka đến từ một nhà sinh vật biển và một chuyên gia lặn biển.
Rạn san hô Polhena và các vùng biển nông xung quanh ở miền nam Sri Lanka là nơi sinh sống quanh năm của một số loài rùa biển. Randunu Dimeshan, đối tác quản lý tại Trung tâm Lặn Polhena thường xuyên bắt gặp những loài rùa này khi bơi cùng khách hàng của mình và anh có thể xác định được một số cá thể từ các đặc điểm đáng chú ý trên cơ thể chúng như vết sẹo ở chân hay vết thương trên mai rùa. Trong khi đó, Chathurika Munasinghe, nhà sinh vật biển tại Liên minh Giáo dục và Bảo tồn Đại dương (OCEA) lại có kỹ năng đặc biệt trong việc xác định rùa biển dựa trên nhận dạng ảnh và cô đã thực hiện thành công tại Maldives, Philippines.
Dimeshan gặp gỡ Munasinghe và cả hai nảy ra ý tưởng thành lập một sáng kiến khoa học công dân tương tự ở Sri Lanka. Tháng 8/2019, dự án Sri Lanka Turtle ID chính thức khởi động, chỉ vài tháng trước khi đại dịch xảy ra.
“Rùa có các kiểu vảy trên từng khuôn mặt cụ thể, đặc trưng cho từng cá thể. Cũng giống như dấu vân tay trên người, các mẫu vảy trên khuôn mặt có thể được sử dụng để xác định loài rùa”, Munasinghe cho biết.
Để xây dựng cơ sở dữ liệu về rùa, các nhà nghiên cứu cần có những bức ảnh chụp khuôn mặt rùa: những bức ảnh rõ nét về cả hai mặt của khuôn mặt và hình ảnh tùy chọn của mai rùa. Sau đó, nhóm làm việc với các trung tâm lặn để hướng dẫn các khách hàng chụp ảnh trong quá trình lặn biển. Những bức ảnh này có thể được tải lên trang web của dự án Turtle ID, nơi phần mềm đặc biệt có thể chọn các mẫu khuôn mặt và so sánh chúng với các mẫu của các cá thể đã được xác định và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu. Nếu mẫu khuôn mặt là mới, người đóng góp ảnh sẽ có cơ hội đặt tên cho cá thể mới.
Đến nay, dự án Rùa ID đã xác định được 18 cá thể đồi mồi (Eretmochelys imbricata) và cá thể ba rùa xanh (Chelonia mydas), tất cả đều là rùa cái. Trong số bảy loài rùa biển được tìm thấy trên khắp thế giới, có năm loài có thể được quan sát ở vùng biển Sri Lanka. Rùa biển màu ô liu (Lepidochelys olivacea) là loài phổ biến nhất nhưng chúng chủ yếu được tìm thấy ở xa ngoài đại dương.
Munasinghe cho biết: “Những cá thể đồi mồi thường ở gần các rạn san hô hơn vì chúng thích ăn bọt biển, phần lớn chúng được tìm thấy trong các rạn san hô”.
Nhóm đã đặt tên cho tất cả các khuôn mặt rùa được xác định. Tammy là cá thể đầu tiên được đặt tên theo biệt danh của một người bạn chung của những người sáng lập dự án. Một số cá thể khác là Alice, Avondster, Shelah, Polly, Keyara, Olya và Chuta.
Mục đích chính của sáng kiến là tạo ra một cơ sở dữ liệu về rùa biển để đánh giá quy mô quần thể của từng loài. Một số loài rùa sử dụng vùng biển Sri Lanka làm nơi kiếm ăn, đặc biệt là những nơi có nhiều rạn san hô, vì vậy, học cách chúng sử dụng một số rạn san hô nhất định để kiếm ăn và sinh sản là một mục tiêu khác của dự án. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng cơ sở dữ liệu sẽ làm sáng tỏ các mô hình di cư của rùa trong thời gian dài.
Munasinghe cho biết ý tưởng này được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của cô trong sáng kiến ở Maldives. Ở đó, một dự án tương tự bắt đầu vào năm 2011 và đến nay đã tổng hợp hồ sơ cá nhân của hơn 1.270 cá thể rùa.
Kỹ thuật nhận dạng dựa trên mẫu khuôn mặt vốn được nhà khoa học người Pháp Claire Jean của thủy cung Kélonia ở đảo Réunion, Ấn Độ Dương, một đài quan sát chuyên về rùa biển, giới thiệu. Trước đó, hầu hết các nghiên cứu về quần thể rùa biển dựa vào việc bắt động vật và gắn thẻ lật hoặc thiết bị phát tín hiệu, tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém. Việc gắn thẻ thường chỉ áp dụng với các cá thể cái khi chúng đang làm tổ. Trong một bài báo năm 2010, Jean cũng khẳng định phương pháp nhận dạng bằng ảnh vừa hiệu quả về chi phí vừa tránh làm động vật bị căng thẳng .
Dự án Sri Lanka Turtle ID sử dụng phần mềm mã nguồn mở I3S – một ứng dụng nhận dạng ảnh miễn phí có sự hỗ trợ của máy tính dựa vào các dấu hiệu tự nhiên để xác định từng loài rùa. Quá trình sử dụng rất đơn giản: các điểm tham chiếu đầu tiên được thực hiện tại chóp mũi, mép trong của mắt rùa, và điểm tham chiếu xa nhất. Sau đó, phần mềm sẽ phác thảo các vùng nhận dạng khác và tự động chọn 35 điểm trong vùng làm dấu hiệu nhận dạng. Sau khi hoàn tất, chương trình sẽ hiển thị những cá thể rùa nào có kết quả trùng khớp gần nhất dựa trên các dấu hiệu nhận dạng và người dùng có thể đánh dấu nó là một cá thể rùa đã được xác định trước đó hoặc một cá thể mới.
Kỹ thuật tương tự có thể được sử dụng để xác định các cá thể từ các loài khác, bao gồm cả cá mập voi và các loài cá đuối lớn.
Munasinghe và Dimeshan đã tổ chức giới thiệu dự án cho các nhà nghiên cứu và thợ lặn giải trí nhằm kêu gọi các trung tâm lặn hỗ trợ hình ảnh rùa. Tuy nhiên, Turtle ID có sự khởi đầu khá khó khăn do vướng Covid-19. Đầu năm 2020, lệnh đóng cửa được áp dụng toàn quốc bao gồm cả các trung tâm lặn và hỗ trợ dự án Turtle ID. Nghiên cứu về biển nói chung cũng buộc phải gác lại kể từ đó.
Những tháng gần đây, việc bảo tồn rùa ở Sri Lanka được quan tâm trở lại sau vụ chìm tàu chở hàng ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của hòn đảo vào đầu tháng Sáu. Con tàu chở axit nitric, hạt nhựa cùng nhiều mặt hàng và hàng trăm tấn nhiên liệu. Có hơn 200 cá thể rùa biển đã bị chết trên các bãi biển và vùng nước lân cận kể từ khi tàu chìm.
Munasinghe cho biết cô hy vọng có thể sớm lặn và cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm đóng góp vào các nỗ lực bảo tồn rùa.
Thảo Vy (Theo Mongabay)