BVR&MT – Sau những cơn mưa rào đầu mùa hè, cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sông Lô đi sâu vào trong những cánh rừng phòng hộ trên núi Sáng, xã Đồng Quế, giữa tiếng suối chảy róc rách, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tôi nhanh chóng nhận ra một thực tế, đi rừng mùa này cũng thật đáng sợ bởi luôn bị muỗi, vắt bủa vây cộng với đường dốc thoai thoải, toàn đá hộc, trơn trượt dễ ngã.
Trên đường tuần tra, thi thoảng đoàn lại bắt gặp một vài người dân lên núi để chăn thả gia súc, lượm củi khô. Như một phản xạ, đồng chí Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm đều tiến lại gần hỏi thăm và không quên nhắc nhở họ không được chặt phá cây rừng.
Tính đến hết tháng 5/2017, toàn huyện Sông Lô trồng mới trên 82 ha rừng tập trung, đạt 103 % kế hoạch trồng và phát triển rừng năm 2017. Đã thành quy luật, đây là thời điểm thuận lợi cho cây rừng phát triển, cũng là lúc các cán bộ kiểm lâm phải tăng cường xuống cơ sở, đến từng hộ dân để hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây rừng theo đúng quy trình kỹ thuật.
Là địa bàn có diện tích đất rừng lớn với gần 4.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Đồng Quế, Quang Yên, Lãng Công, trong khi lực lượng chuyên trách còn ít, chỉ có 4 cán bộ kiểm lâm song những năm qua, với nỗ lực của đội ngũ cán bộ kiểm lâm, trên địa bàn huyện Sông Lô không xảy ra cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Để có được kết quả đó là nhờ công tác bảo vệ rừng được các cấp chính quyền chú trọng, quan tâm. Với vai trò nòng cốt, Hạt Kiểm lâm huyện Sông Lô thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, nhất là địa bàn có rừng để đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ, khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng; bám sát địa bàn được phân công; kiểm tra, xác minh cụ thể cho từng lô rừng mà chủ rừng làm đơn xin khai thác để cập nhật vào sổ theo dõi và khoanh vẽ trên bản đồ diễn biến để báo cáo cấp trên theo quy định; tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục khai thác lâm sản đến các hộ gia đình, cá nhân. Vào cao điểm mùa nắng nóng, thành lập lực lượng PCCC rừng tại chỗ với nòng cốt là cán bộ kiểm lâm, chủ rừng, lực lượng công an, quân sự xã túc trực 24/24h, thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường trao đổi thông tin, có phương án, kế hoạch, không để xảy ra sự cố bất ngờ.
Nhờ chính sách giao khoán đất rừng sản xuất nên việc khai thác, thu lợi từ rừng do các chủ rừng quyết định, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khai thác lâm sản. Cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, những năm qua, công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất đã đi vào nền nếp, được người dân tự giác thực hiện. Những tồn tại trước kia như: Tranh chấp về diện tích, đất được giao sai đối tượng, quá hạn mức, hồ sơ không rõ ràng… được các cấp chính quyền giải quyết triệt để, các chủ rừng hoàn toàn yên tâm bỏ vốn để đầu tư phương tiện kỹ thuật, lựa chọn cây giống sao cho hiệu quả, năng suất cao.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ gặp không ít khó khăn, hạn chế, chủ yếu do mức chi trả giao khoán bảo vệ rừng thấp, chưa thực sự động viên, khuyến khích các hộ được giao khoán. Ông Lê Văn Nghiên, thôn Đồng Mùi, xã Đồng Quế chia sẻ: Gia đình tôi nhận khoán bảo vệ 3 ha rừng phòng hộ từ năm 1995, mặc dù kinh phí hỗ trợ thấp nhưng vẫn phải triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ, chăm sóc trên diện tích lớn. Để làm tốt công việc, người được giao khoán phải bám sát rừng, trong khi điều kiện đi lại, sinh hoạt ở khu vực có rừng còn nhiều hạn chế, thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc học hành của con cái. Với lực lượng chuyên trách, khi có thông tin phá rừng, việc tiếp cận hiện trường gặp khó khăn do thiếu phương tiện kỹ thuật, địa hình hiểm trở, ngoài ra, còn phải đối diện với không ít nguy hiểm từ các đối tượng sử dụng súng kíp đi săn, đặt bẫy thú, dùng kích điện đánh bắt cá… sẵn sàng chống đối nếu bị phát hiện, ngăn cản.
Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch phát triển tiềm năng du lịch của xã, đồng chí Nguyễn Ngọc Công, Chủ tịch UBND xã Đồng Quế cho biết: Là địa phương có diện tích rừng phòng hộ lớn thứ 2 của huyện Sông Lô. Đặc biệt, từ khi có quyết định của UBND tỉnh về việc xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Vân Trục và hồ Bò Lạc cũng như các quần thể khác bên núi Sáng thuộc xã Đồng Quế, trong tương lai nơi đây sẽ trở thành vùng du lịch sinh thái đầy tiềm năng, thu hút đông đảo khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây là tín hiệu vui, phấn khởi song cũng đặt ra nhiều thách thức nếu các cấp chính quyền không nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý, rất dễ xảy ra hiện tượng các chủ rừng bị lôi kéo, dụ dỗ sang nhượng trái phép vì giá trị, lợi ích ngày càng cao của rừng.