BVR&MT – Là huyện biên giới của tỉnh, Yên Châu có 4 xã, 17 bản tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ và Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Những năm qua, bám sát chỉ đạo của tỉnh, Yên Châu đã chú trọng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tới nhân dân vùng biên giới, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19. Các xã khu vực biên giới duy trì và tổ chức nhiều hoạt động “Ngày pháp luật” hằng năm; triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động… để tư vấn pháp luật, kiến thức phát triển kinh tế, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến tình hình an ninh, trật tự, việc chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Bà Vì Thị Vinh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Yên Châu, cho biết: Hằng năm, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể trong huyện kết hợp tuyên truyền pháp luật trong các buổi họp dân; tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh ở địa phương, đồn biên phòng. Phát huy vai trò của hơn 100 báo cáo viên thuộc Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng đóng trên địa bàn và 732 tuyên truyền viên cơ sở là cán bộ, công chức các ban, ngành, đoàn thể cấp xã trong tuyên truyền pháp luật.
Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã tổ chức 27 hội nghị, 2.150 lượt bí thư, trưởng bản, đoàn thể và người dân các xã vùng biên tham gia; tổ chức 15 cuộc tuyên truyền lưu động với 465 lượt người được tiếp cận; in ấn và cấp phát 5.135 tờ rơi, tờ gấp tìm hiểu pháp luật cho nhân dân vùng biên về: Luật Biên giới quốc gia và một số văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Phòng, chống tội phạm ma túy; Luật Lâm nghiệp; Luật Đất đai năm 2013; Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Hộ tịch; Luật Căn cước công dân và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồn Biên phòng Chiềng Tương và Chiềng On xây dựng mô hình “Tiếng loa Biên phòng – phòng, chống dịch Covid-19” phát hơn 200 giờ tuyên truyền bằng loa lưu động “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bằng các thứ tiếng: Mông, Thái, Kinh tới nhân dân 4 xã vùng biên.
Đại úy Thào Nguyên Hồ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng On, thông tin: Đơn vị được giao quản lý địa bàn 2 xã Chiềng On, Phiêng Khoài và bảo vệ trên 30 km đường biên giới. Công tác tuyên truyền PBGDPL gắn với các nội dung phong trào giúp dân phát triển kinh tế, kết hợp thực hiện chương trình “Xuân Biên phòng – ấm lòng dân bản” hàng năm tại địa bàn các xã biên giới.
Từ năm 2020 đến nay, đơn vị chỉ đạo Đội vận động quần chúng phối hợp cùng ban tư pháp xã Chiềng On, Phiêng Khoài tham mưu tổ chức tuyên truyền PBGDPL trên 70 cuộc, 6.650 lượt người dân về: Luật Biên giới quốc gia; Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Cư trú; Luật Hôn nhân gia đình; tổ chức 199 buổi tuyên truyền, phát gần 2.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, không xuất nhập cảnh trái phép; tổ chức 7 lớp học xóa mù chữ lồng ghép với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật do cán bộ BĐBP tỉnh trực tiếp lên lớp với gần 200 học viên tham gia.
Ông Vì Văn Thanh, Trưởng bản Nà Dạ, xã Chiềng On (Yên Châu), chia sẻ: Bản có 176 hộ, 804 nhân khẩu. Ðược cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Chiềng On và chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, bà con đều chấp hành tốt pháp luật và các quy định của địa phương, các tội phạm và tệ nạn xã hội giảm đáng kể; cuộc sống trong bản được bình yên, bà con yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống.
Qua công tác tuyên truyền PBGDPL, nhân dân khu vực biên giới trên địa bàn huyện Yên Châu ngày càng hiểu biết, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.