BVR&MT – Để ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, phát sinh trên địa bàn.
Tỉnh Sơn La hiện có trên 582.000 con lợn, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình và trang trại nuôi lợn tập trung. Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhằm hạn chế thấp nhất sự gây hại, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, các địa phương trên địa tỉnh Sơn La đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: Thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi biết, chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh. Phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp trong phòng, chống dịch; nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh để tổ chức chống dịch có hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho biết, với tinh thần chủ động, Sở đã tham mưu để UBND tỉnh Sơn La ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập hai chốt kiểm dịch động vật lưu động tại Bãi Đu, Tân Lang và Mường Cơi, huyện Phú Yên tới Tân Lang nhằm kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên Quốc lộ 32b và Quốc lộ 37. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã phối hợp với các phòng, ban chức năng của địa phương kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh; hướng dẫn, cung ứng trang thiết bị, vật tư, nhân lực để thực hiện chống dịch hiệu quả, góp phần đảm bảo phát triển sản xuất, chăn nuôi của địa phương…
Cơ quan chức năng tỉnh Sơn La cũng khuyến cáo người chăn nuôi, để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cần chú ý khâu sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài, lối đi vào trại, hạn chế tối đa người vào khu vực chăn nuôi, nhất là tại các trại nuôi. Tăng cường phòng bệnh bằng vắc xin đối với các bệnh do vi rút như: dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng,… Nhập lợn có nguồn gốc rõ ràng, có khu riêng nuôi cách ly lợn mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập đàn. Giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này.
Được biết, với tinh thần chủ động, tích cực của cơ quan chức năng, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhập được vào địa bàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, không chủ quan trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh thú y; đồng thời sẵn sàng lực lượng và phương tiện để kịp thời tổ chức chống dịch có hiệu quả, hạn chế tối đa những tổn thất do dịch tả lợn châu Phi gây ra.