BVR&MT – Đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm có giải pháp phù hợp để thích ứng quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu EC.
Tham gia tranh luận một số vấn đề được đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận chiều 1/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm sâu sắc đến việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giá cả thị trường, băn khoăn, lo lắng cho ngành và cho người nông dân.
Tuy nhiên các đại biểu chưa đề cập đến vấn đề liên quan đến quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu EC, ngày 16/5/2023 có hiệu lực vào tháng 12/2024.
Đại biểu nêu rõ, theo quy định này, cà phê, cao su, gỗ và một số sản phẩm từ gỗ, vốn là ngành hàng chủ lực của Việt Nam, cùng hàng triệu người nông dân trong lĩnh vực sản xuất các nông sản này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quy định này đặt ra cho chúng ta một khối lượng công việc lớn, kéo theo đó là nguồn lực và thời gian thực hiện. Đại biểu đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương sớm có giải pháp phù hợp để thích ứng với quy định này.
Ngày 16/5/2023, Ủy ban Châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). Đây là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng, đây là biến chuyển xu hướng tiêu dùng xanh tất yếu của thị trường toàn cầu. EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm: Chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ; cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). |