BVR&MT – Việc sử dụng và xây dựng các con đập trên sông Mê Kông sẽ quyết định tương lai của hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.
Khi vùng ngập lũ Tonle Sap chảy ngược vào sông Mê Kông mùa xuân năm nay, những người Campuchia sống dựa vào vùng hồ này đối mặt với viễn cảnh ảm đạm: sản lượng đánh bắt cá chỉ còn 10-20% năm ngoái. Nhiều dự án thủy điện ở thượng nguồn bị đổ lỗi cho tình trạng suy giảm không phanh của hệ sinh thái.
Sông Tonle Sap chảy ngược dòng khi Mê Kông dâng lũ vào mùa hè. Nước lũ làm ngập hồ Tonle Sap, đưa diện tích mặt hồ lên gấp năm lần khi ở mực nước thấp, tạo thành hồ nước lớn nhất ở Đông Nam Á và cung ứng cho một trong những nghề cá nước ngọt năng suất cao nhất trên trái đất.
Năm 2019, sự kết hợp của biến đổi khí hậu, El Niño cùng các đập trên sông Mê Kông và các dòng nhánh đã khiến sông Tonle Sap chảy ngược vào tháng 8 thay vì tháng 6 và chỉ trong sáu tuần chứ không phải 5 đến 6 tháng như thường lệ. Hệ quả là hình thành các vùng nước cạn, ấm, thiếu oxy, tàn phá hệ thống ngư nghiệp.
Chịu áp lực của các nhóm môi trường địa phương và quốc tế, tháng 3 vừa qua, Campuchia công bố tạm dừng 10 năm các dự án xây đập mới để bảo vệ các khu vực hạ nguồn như Tonle Sap. Nhưng những vấn đề với nghề cá Tonle Sap bắt đầu từ thượng nguồn với các đập thủy điện ở Trung Quốc và cách các đập đó quản lý việc lưu trữ và xả nước.
“Chết bởi nghìn vết cắt”
Tổ chức cung cấp các giải pháp xử lý nước bền vững Taber Hand of Wetlands Work mô tả thiệt hại cho Tonle Sap là “chết bởi nghìn vết cắt”. Cái chết của hồ bắt đầu với nạn đánh bắt không bền vững vào những năm 1990 và sau đó là xây đập ở hầu hết 27 nhánh sông chảy vào hồ để tưới tiêu trong mùa khô.
Hơn 1300 km về phía bắc hồ, Trung Quốc bắt đầu quá trình xây đập trên sông Lan Thương – phần sông Mê Kông ở nước này – vào năm 1986 với đập Mãn Loan. Trong những thập kỷ tiếp theo, Trung Quốc xây thêm 11 đập lớn trên Lan Thương, chiếm hơn 1/2 lượng trầm tích thiết yếu đối với hệ sinh thái sông Mê Kông. Mé cực bắc của chuỗi đập là con đập Ô Lộng Long công suất 990 MW ở tỉnh Vân Nam, nằm trên tận vùng núi cao dãy Hymalaya thuộc châu tự trị Địch Khánh, mới hoàn thành năm 2019. Chuỗi đập kéo dài xuống Cảnh Hồng gần những khu rừng tươi tốt thuộc Tây Song Bản Nạp. Nhiều con đập thậm chí được lên kế hoạch xây dựng tại Cảm Lãm Bá và Mãnh Tống – rất gần biên giới Thái Lan.
Sử dụng hình ảnh vệ tinh và đo độ cao của dòng sông, một nghiên cứu mới được tổ chức giám sát tài nguyên nước Eyes on Earth công bố tháng 4/2020 cho thấy những nghi ngờ về việc Bắc Kinh phải chịu một phần trách nhiệm những đợt hạn hán xảy ra trên khắp khu vực Mê Kông năm 2019 có thêm cơ sở.
“Dữ liệu vệ tinh không biết nói dối, có rất nhiều nước ở cao nguyên Tây Tạng ngay cả khi các quốc gia như Campuchia và Thái Lan đang bị khủng hoảng nước nặng nề. Một khối lượng nước khổng lồ đang bị giữ lại ở Trung Quốc”, Alan Basist, đồng tác giả Báo cáo của Eyes on Earth nói với tờ New York Times.
Theo báo cáo, trong đợt hạn hán năm 2019 khiến sông Mê Kông ở mức nước thấp nhất thế kỷ và khiến sông Tonle Sap chảy ngược muộn hơn, phần thượng nguồn ở Trung Quốc vẫn nhận được lượng mưa cao bất thường nhưng dòng chảy đã bị các đập ở Lan Thương chặn lại.
Thu thập dữ liệu từ 1992 đến 2019, báo cáo cho hay thuật toán “chỉ số độ ẩm” có thể được sử dụng để mô phỏng điều kiện dòng chảy tự nhiên thông qua sự hợp tác giữa các đập trên dòng chính Mê Kông. Càng nhiều đập được xây dựng, dòng chảy Mê Kông càng bị kiểm soát chặt hơn, nhưng hiện tại giữa Trung Quốc và các quốc gia hạ nguồn có rất ít cơ chế quản trị cung cấp các giải pháp phù hợp, kịp thời.
Ngay cả khi dòng chảy tự nhiên sông Mê Kông được mô phỏng chính xác thì cũng không giải quyết được việc mất trầm tích và thay đổi mô hình di cư của cá – điều vốn cực kỳ thiết yếu đối với hệ sinh thái của những nơi như hồ Tonle Sap. Kết hợp với mùa mưa ngắn hơn và mùa khô dài hơn do biến đổi khí hậu, hệ sinh thái Tonle Sap – từ cá tra dầu đến bồ nông chân xám – đang nguy cấp.
Lào và Campuchia sẵn lòng sử dụng thủy điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Đặc biệt là Campuchia, nước có tới 48% sản lượng điện nội địa phụ thuộc vào thủy điện nhưng bị thiếu điện trên diện rộng vào năm 2019. Đập Don Sahong gần biên giới Lào – Campuchia là đập dòng chính sông Mê Kông gần với Tonle Sap nhất, do công ty Sinohydro xây dựng theo yêu cầu từ phía Lào và bắt đầu sản xuất điện vào đầu năm 2020.
“Không phải là tất cả trong tầm kiểm soát của Trung Quốc. Trung Quốc có 100% quyền kiểm soát các con đập ở Vân Nam nhưng không thể kiểm soát như thế với các con đập ở hạ nguồn Mê Kông”, theo Taber Hand. Khi được hỏi nên làm gì để giúp ngư nghiệp Tonle Sap, Hand trả lời “bất cứ ai sở hữu hoặc kiểm soát đập Don Sahong ở Lào đồng ý cho cá đi qua”.
Thiếu phối hợp
Ủy hội sông Mê Kông (MRC) bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và lẽ ra nên là cơ quan tuyến đầu điều phối đa quốc gia cho các nước hạ nguồn, kể cả sự bền vững nghề cá ở các khu vực như Tonle Sap. Tuy nhiên, từ khi mang tên MRC vào năm 1995, tổ chức này chỉ đóng vai trò tư vấn và không tạo ra được nhiều tác động đối với các con đập đang mọc lên.
“Trung Quốc cung cấp dữ liệu về mực nước và lượng mưa trong mùa lũ nhưng chỉ từ 2 trong số nhiều trạm trên thượng nguồn sông Mê Kông. Như thế là chưa đủ”, MRC nói với tờ Khmer Times khi được phỏng vấn về báo cáo của Eyes on Earth, và nhấn mạnh thêm nhu cầu hợp tác hơn nữa với Trung Quốc về các biện pháp giảm thiểu và chia sẻ thông tin. “MRC muốn Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu từ nhiều trạm đo hơn và cả trong mùa khô”.
Cơ chế Lan Thương-Mê Kông (LMC) là câu trả lời của Trung Quốc cho kế hoạch phát triển ở các nước hạ nguồn sông Mê Kông, được MRC hoan nghênh khi tổ chức cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo vào năm 2016. Tháng 12/2019, trong đợt hạn hán, MRC và LMC ký bản ghi nhớ về trao đổi dữ liệu, thông tin và giám sát toàn lưu vực. Dữ liệu về sử dụng nước của Trung Quốc được coi là bí mật quốc gia nên rất khó lấy được.
“MRC không có cơ chế thực thi để bắt buộc các nhà hoạch định chính sách đồng ý có nên xây đập trên dòng chính hay không. Áp lực từ MRC không mang tính ràng buộc, chỉ là ngang hàng, và tự nguyện. LMC là một kiểu ngoại giao mới của Trung Quốc. Bạn sẽ phải chịu đựng hoặc đối mặt vì LMC sẽ không giảm tốc”, cựu Bộ trưởng năng lượng Campuchia Pou Sothirak nói.
LMC đã tách khỏi vấn đề thủy điện – một liên kết quan trọng trên Vành đai và Con đường của Trung Quốc – nhưng dễ thấy có sự lặp lại về việc sử dụng các con đập để kiểm soát lũ lụt. Đối với các khu vực hoàn toàn dựa vào xung lũ như Tonle Sap, các đập kiểm soát lũ – được sử dụng để giảm thiểu rủi ro lũ lụt và phục vụ tưới tiêu – thậm chí còn phá hủy hệ sinh thái nhiều hơn.
Điểm tan vỡ
“Không ai có thể nói dứt khoát rằng Tonle Sap đã hoặc khi nào đạt đến điểm tan vỡ sinh thái điểm. Chúng ta biết điều đó sẽ đến sớm thôi. Nhưng điều khiến tôi lo lắng nhất là điểm tan vỡ đó có thể ở ngay trước mắt”, Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson và tác giả cuốn sách Những ngày cuối của sông Mê Kông vĩ đại chia sẻ.
Các đập dòng chính sông Mê Kông không phải là vấn đề duy nhất đối với Tonle Sap. Các dòng nhánh như Nam Ou – đóng góp rất nhiều trầm tích do độ dốc cao – đang bị xây đập với tốc độ nhanh trong khi bị giám sát ít hơn.
Bậc thang thủy điện Nam Ou ở Lào bao gồm 7 đập, 3 đang vận hành và 4 đập dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Theo Eyler, không một con đập nào do Trung Quốc xây dựng trên sông Mê Kông có thể bù đắp một cách hiệu quả về cá hoặc trầm tích.
“Chuỗi đập Nam Ou là công trình tồi tệ nhất được xây dựng ở tất cả các nước Đông Nam Á, không chỉ lưu vực sông Mê Kông. Trong thiết kế không hề có bù đắp môi trường – không có thang cá, không cửa xả trầm tích”, Eyler cho hay.
Sau khi chảy qua những vùng đất giàu trầm tích ở Bắc Lào, Nam Ou hòa vào sông Mê Kông tại Luang Prabang – nơi có một con đập khác được lên kế hoạch xây dựng. Toàn bộ chuỗi thủy điện khi hoàn thành vào cuối năm 2020 sẽ cung cấp 1272 MW – tương đương 42% lượng tiêu thụ nội địa của Lào.
“Tôi đã đến gặp kỹ sư trưởng của Sinohydro phụ trách 7 con đập đang được xây dựng trên sông Nam Ou để hỏi tại sao không đưa những biện pháp giảm thiểu môi trường vào những con đập này? Câu trả lời là chính phủ Lào không bao giờ yêu cầu điều đó”, Eyler kể.
Xayaburi – một trong những con đập tiên tiến hơn do Thái Lan xây dựng và đi vào vận hành trong năm nay – có thang cá và cửa xả trầm tích nhưng công nghệ thiết kế theo các con sông ở châu Âu và Mỹ nên không phù hợp với đa dạng sinh học của Mê Kông – một hệ thống sông có tới hơn 30 tấn cá di chuyển qua mỗi giờ. Để các cửa trầm tích có hiệu quả, đập sẽ phải giảm công suất và hiệu quả – điều nhà phát triển khó có thể tán đồng.
Đập Sambor ở tỉnh Kratie, hiện bị hoãn đến năm 2030, là một trong những con đập khét tiếng nhất có thể kết liễu Tonle Sap. Eyler xác nhận rằng tiếp hợp đập này theo những tiêu chuẩn thấp của Xayaburi cũng sẽ rất đắt đỏ.
“12 tháng qua đã cho thấy nhiều dấu hiệu của những gì đã được dự đoán về điểm bùng phát sinh thái của dòng sông. Có những người nói rằng số lượng đập hiện tại có thể khiến diện tích Tonle Sap không thể mở rộng vào mùa mưa nữa. Mất trầm tích do khai thác cát ở Campuchia và Lào cũng có tác động”.
Năm 2020 đã bộc lộ những dấu hiệu đáng lo ngại, khoảng 20 tỉnh ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp hạn hán từ 3 tháng trước khi mùa khô bắt đầu vào tháng 4. Các đập xả lũ nhỏ hơn ở thượng nguồn có thể phần nào giải quyết hạn hán, những con đập mang tính giải pháp tạm bợ này không mấy tác dụng cho nghề cá Tonle Sap đang giữa muôn trùng vây khốn.
“Không thiết kế nào thay thế được những gì Tonle Sap thực hiện, cho dù biết bao kỹ sư tự nhận là có thể. Đây là ý tưởng về sông Mê Kông lố bịch nhất mà tôi từng nghe, nhất là hiện nay Mê Kông vẫn đang thực hiện điều này miễn phí”, Eyler nhận định.
Hỗ trợ các giải pháp thay thế
Sự thật phũ phàng trước mắt cư dân Tonle Sap là cá không về. Senglong Youk (thuộc Fisheries Action Coalition Team ở Campuchia) gợi ý những người sống dựa vào nghề cá – rất nhiều người không quốc tịch – có thể làm theo hỗ trợ, đặc biệt là đa dạng hóa thu nhập từ các nghề như du lịch sinh thái, thủ công mỹ nghệ và nuôi trồng thủy sản.
“Đến năm 2040, nếu không có can thiệp thích đáng từ chính phủ và các bên liên quan khác…, hồ sẽ trở thành một sân bóng đá”, Senglong Youk cho biết. Ông cũng nói thêm rằng trong ngắn hạn thì nền kinh tế ốm yếu của hồ được hỗ trợ từ các khoản tài trợ cho kỹ nghệ thủy sản, tuần tra và đa dạng hóa thu nhập.
3 triệu người gọi khu vực Tonle Sap là nhà sống dựa vào ngành thủy sản từng trị giá hàng năm tới 2 tỷ đô la nhưng cũng dựa vào lũ lụt theo mùa làm mỡ màu đồng ruộng. Không có xung lũ theo mùa, người dân Tonle Sap đang mất đi nền móng của nền kinh tế địa phương, như các nghiên cứu công bố năm 2019 cho thấy thu nhập của những người chỉ có một sinh kế giảm 18%.
Ngay cả khi Trung Quốc cải tiến các đập ở Vân Nam để xả ra lượng nước và trầm tích cần thiết thì lưu vực sông ở Lào vẫn chiếm tới 70% xung lũ của hồ Tonle Sap.
Ở thượng nguồn Tonle Sap, sông Mê Kông chuyển sang màu xanh vào năm 2019 và cạn thành các vũng nước là những dấu hiệu đáng lo ngại cho mùa khô sắp tới. Nếu hệ sinh thái Tonle Sap đạt đến điểm tan vỡ – theo kịch bản dòng sông không chảy ngược chút nào, sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc hoặc các khoản vay lãi suất thấp có thể là vật lấp chỗ trống để tránh khủng hoảng kinh tế trong và quanh hồ. Trong quá khứ, Trung Quốc sẵn sàng xóa nợ, cung cấp viện trợ và rót nguồn đầu tư lớn nhất cho Campuchia.
Sự tham gia của Trung Quốc thông qua Vành đai và Con đường không phải là cách giúp các nước lên kế hoạch cho các ngành, dù là xây dựng đường sá hay sản xuất năng lượng. Eyler cho rằng điều này sẽ phải thay đổi và bí quyết năng lượng mặt trời của Trung Quốc có thể là giải pháp dài hạn.
“Vành đai và Con đường chắc chắn có thể được tái cấu hình chỉ bằng một chút tinh chỉnh để hỗ trợ thêm cho năng lượng mặt trời ở nước ngoài. Năng lượng mặt trời cũng hấp dẫn không kém xây dựng các nhà máy điện than hoặc thủy điện”.
“Vì vậy, có thể có một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc – tư nhân hoặc nhà nước – triển khai thêm các dự án năng lượng mặt trời, gió và khí sinh học ở các nước này. Nếu Bắc Kinh đáp ứng cho họ … loại hình đầu tư này có thể gây sốc cho Đông Nam Á lục địa theo hướng tích cực, đến mức những lợi ích sức mạnh mềm của Trung Quốc sẽ trở nên hữu hình”.
Tháng 2/2020, Lào ký thỏa thuận phát triển sản phẩm với Công ty Safefound Technology Hàng Châu để xây dựng dự án điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới tại hồ chứa Nam Ngum 1, với công suất lắp đặt 1200 MW và diện tích hơn 1500 ha.
“Nếu Bắc Kinh muốn tạo hình ảnh tốt đẹp trên Vành đai và Con đường xanh thì cần phải đối xử với những dòng sông ở nước ngoài theo đúng giá trị. Và điều đó chỉ có thể được thực hiện bằng cách có những cuộc đối thoại ý nghĩa với công chúng”.
Thế Anh (Theo chinadialogue)