BVR&MT – Chiều 30/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Theo báo cáo, tính từ 13 giờ ngày 29/8 đến 13 giờ ngày 30/8, Đà Nẵng ghi nhận 54 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 22 trường hợp đã cách ly tập trung, 9 trường hợp cách ly tại nhà hoặc tạm cách ly tại nhà, 17 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 6 trường hợp xét nghiệm đại diện hộ gia đình.
Hiện 5/7 quận, huyện ghi nhận số ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng (trừ quận Sơn Trà, huyện Hòa Vang). Trong đó, các quận ghi nhận số ca nguy cơ lây lan cao nhất: Hải Châu (15 ca), Thanh Khê (8 ca), Cẩm Lệ (7 ca).
Có 7 xã, phường không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp gồm Hải Châu II, Nam Dương, Phước Ninh (quận Hải Châu), xã Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Ninh, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.926 trường hợp mắc COVID-19.
Trong ngày 30/8, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 130.517 lượt người; phát hiện, cách ly 173 F1, 92 F2; đang điều trị 2.162 bệnh nhân, 76 bệnh nhân khỏi bệnh, 1 bệnh nhân tử vong.
Thực hiện kế hoạch xét nghiệm 158/KH-UBND, đợt 1 (từ ngày 28-30/8), tính đến ngày 30/8, Đà Nẵng đã xét nghiệm 250.956 lượt người (đạt 106,9%); phát hiện 8 ca mắc, 10.467 lượt người chưa có kết quả.
Sở Y tế đã có công văn gửi đến các quận, huyện rà soát 25 trường hợp hoàn thành cách ly tập trung ghi nhận mắc COVID-19.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, trong ngày, số lượng xét nghiệm hơn 130.000 lượt người, số ca mắc ghi nhận bằng 50% các ngày liền kề trước đó. Đây là tín hiệu khả quan đối với thành phố, thể hiện kết quả nỗ lực nhiều ngày qua của các đơn vị, địa phương. Trong đó, 2 quận, huyện không phát sinh F0 là huyện Hòa Vang và quận Sơn Trà. Đáng chú ý, có 3 phường của quận Hải Châu qua 14 ngày không phát sinh ca mới như: Hải Châu II, Phước Ninh, Nam Dương. Đây là một trong những mục tiêu mà thành phố đặt ra trong việc mở rộng “vùng xanh” ở các phường, xã.
Theo ông Quảng, các địa phương không được chủ quan, lơ là và cần siết chặt biện pháp kiểm soát, mới có khả năng thoát khỏi nguy cơ dịch lây lan trở lại.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị, các quận, huyện cần kiểm soát khu ngõ hẻm và khu chung cư; các khu cách ly tập trung phải siết chặt, hạn chế ca lây nhiễm mới; cấp giấy đi đường cho 1-2 đơn vị sửa chữa điện nước và thông báo để người dân biết.
Các xã, phường tăng cường kiểm tra địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để xử lý kịp thời, lắng nghe ý kiến mong mỏi của người dân sau ngày 5/9 để tổng hợp, phản ánh, từ đó thành phố có biện pháp trong thời gian tới.
Ngoài ra, các địa phương cần phải cập nhật thường xuyên tình hình các vùng xanh, đỏ, vàng, đồng thời thông báo rộng rãi cho người dân được biết để có trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai thủ tục để đảm bảo các chính sách hỗ trợ đến tay người dân sớm nhất.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine, ngành y tế cần đưa các điểm tiêm xuống sát với cơ sở hơn, tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế xã, phường về công tác tiêm chủng nhằm hạn chế tập trung đông người, giảm bớt việc di chuyển của người dân. Bên cạnh đó, ngành Y tế ưu tiên tiêm cho các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là thành viên trong ban điều hành phường, xã.