BVR&MT – Việc được công nhận là nghệ nhân thủ công mỹ nghệ khi mới ngoài 30 tuổi được xem là “cú hích” tiếp thêm động lực tinh thần để anh Lã Văn Toàn, thôn Vũ Xá, xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) gắn bó hơn với nghề chế tác đá truyền thống – cái nghề vốn nhiều vất vả, bụi bặm…
Được sinh ra từ làng nghề truyền thống và thành danh khá sớm nhưng con đường đến với nghề đá của anh Toàn không dễ dàng chút nào. Anh nhớ lại: Hồi nhỏ khi mới học nghề, tôi thấy áp lực lắm, có khi chỉ một tư thế ngồi đục, một kỹ thuật nhỏ mà các cụ bắt làm đi làm lại đến thuần thục mới thôi. Sau này càng gắn bó với nghề càng thấy hết ý nghĩa của sự nghiêm khắc ấy, đó không chỉ là dạy nghề mà còn là dạy làm người…
Gạt vội lớp bụi đá phủ kín trên bộ đồ bảo hộ, anh Toàn nói: Khiêng đá, cắt đá, đục, đẽo… hầu như công đoạn nào cũng có nguy cơ gặp tai nạn lao động. Thường thì căn cứ vào số đo do khách hàng yêu cầu, chúng tôi dùng máy cắt để chia những khối đá to thành các kích thước phù hợp. Vì giá thành một khối đá tương đối cao và trọng lượng khá nặng nên phải hết sức cẩn thận. Chỉ cần sơ sẩy thì có thể làm hỏng cả phiến đá. Đến công đoạn chế tác các chi tiết tinh xảo lại càng phải có sự tỉ mỉ và tập trung cao. Bởi vậy ở đây, mỗi người thợ khi đạt đến độ tài hoa cũng đều trải qua vài lần bị thương… Chưa kể bụi đá vẫn luôn là nỗi ám ảnh với sức khỏe của chúng tôi.
“Nghề chế tác đá gian nan lắm. Nếu như ở các nghề khác, sản phẩm bị lỗi, bị sai, có thể sửa được, còn làm đá mà sai thì coi như bỏ, vì vậy nó không có chỗ cho sự cẩu thả, xuê xoa. Ngoài tài năng thiên phú, sự khổ luyện thì bài học đầu tiên của mỗi người thợ đá bao giờ cũng là rèn tính kiên nhẫn, bền chí. Chính bài học này cũng đã giúp chúng tôi vững vàng trước những thăng trầm của nghề, nhất là thời điểm phải đối mặt với khó khăn do dịch COVID-19 trong 2 năm qua.” – anh Toàn chia sẻ.
Quả thật quãng thời gian dịch bệnh vừa qua đã khiến không ít cơ sở sản xuất đá điêu đứng với “điểm nghẽn” lớn nhất ở khâu giao hàng. Trên thực tế, đa số sản phẩm đá mỹ nghệ khi đưa vào sử dụng cần phải được lắp đặt bởi chính những người thợ làm ra nó, trong khi đó với những đơn hàng ở vùng có dịch, để bố trí được đội thợ đi giao hàng cần nhiều thủ tục, thậm chí là tốn kém chi phí và thời gian cách ly nên chẳng mấy ai dám nhận việc. Anh Toàn và cơ sở sản xuất của gia đình cũng không nằm ngoài những khó khăn ấy.
Anh cho biết: Có những thời điểm sản phẩm làm ra ùn ứ, “đắp chiếu” trong nhà xưởng cả tháng trời, không ít công nhân đành ngậm ngùi đi tìm công việc mới để mưu sinh. Nếu không vì tâm huyết, trách nhiệm với nghề truyền thống mà cha ông để lại, chắc hẳn nhiều thợ đá như tôi đã nản lòng, buông xuôi…
Những trăn trở đằng sau danh hiệu nghệ nhân đã thôi thúc anh Toàn thay đổi tư duy làm nghề, tìm cách thích ứng trong mùa dịch bằng việc thực hiện các giao dịch qua điện thoại, Facebook, Zalo… Đôi khi chấp nhận chịu thiệt để vận chuyển, lắp đặt tận nơi, đảm bảo uy tín và “giữ chân” khách hàng. “Để thu hút khách hàng, tôi thường cập nhật các mẫu mã mới trên mạng xã hội. Giá cả được chào bán cũng “mềm” hơn trước nhưng bán được là vui rồi, lãi ít cũng không sao, miễn là có thể duy trì việc làm cho thợ qua mùa dịch.”- anh Toàn cho biết thêm.
Năng động, nhạy bén với thị trường nhưng anh Toàn vẫn cho rằng công việc “biến đá thành vàng” không chỉ là kiếm sống mà còn là nghệ thuật, muốn có một sản phẩm ưng ý bắt buộc phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, công phu. Đó cũng chính là trách nhiệm trước những tinh hoa mà cha ông để lại. Trách nhiệm ấy đã phần nào giúp anh Toàn trở thành một trong những nghệ nhân tài hoa của làng nghề, khẳng định tên tuổi với những sản phẩm ở các công trình trùng tu, xây mới đình, đền, chùa, nhà thờ…
Dịp cuối năm, cùng với các chính sách “sống chung an toàn với đại dịch” của Chính phủ, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh Toàn bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng hơn và kỳ vọng sẽ đạt mức doanh thu 3 tỷ đồng/năm như thời điểm trước dịch.