BVR&MT – Sáng 25/10, Quốc hội nghe báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; sau đó Quốc hội bỏ phiếu kín.
Bên lề Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cung cấp thêm thông tin về lần lấy phiếu tín nhiệm này.
Thưa bà, cách thức tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện như thế nào để có thể đảm bảo kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm được chính xác và khách quan nhất?
Với sự đổi mới hoạt động của Quốc hội, cũng như hoạt động của Chính phủ, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có nhiều thuận lợi để các đại biểu Quốc hội đánh giá, nhận xét, nhìn nhận về việc thực hiện nhiệm vụ của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Với sự công tâm, khách quan và cách làm khoa học, tôi nghĩ rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ tiếp tục khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội là một kênh quan trọng. Qua đó, giúp cho các cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét, quy hoạch và bồi dưỡng, đào tạo cũng như sử dụng cán bộ, nhất là những cán bộ cấp cao giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Chúng ta chờ đợi kết quả này vào chiều nay, ngày 25/10.
Thưa bà, việc bỏ phiếu kín, bảo mật tuyệt đối sẽ có ý nghĩa như thế nào đến tính chính xác, khách quan của các lá phiếu?
Trong lần này, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận ở Đoàn vào chiều ngày 24/10 và dành thời gian trong ngày 25/10 để các Đoàn báo cáo kết quả thảo luận và giải trình (nếu có).
Sau đó các đại biểu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu với thời gian, không gian thuận lợi; các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện chính kiến của mình và không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào bất kỳ một tác động nào. Việc thể hiện chính kiến của đại biểu Quốc hội ở các mức độ lấy phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Với quy trình, cách làm, bỏ phiếu kín và việc chuẩn bị tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền của mình một cách hoàn toàn chủ động, sẽ không có tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu.
Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, cử tri và nhân dân cũng đặt nhiều kỳ vọng vào lá phiếu của các đại biểu Quốc hội. Bà có nhắn gửi gì đến cử tri cả nước lúc này?
Việc các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát cũng chính là sự gửi gắm và ủy quyền của cử tri và nhân dân cả nước cho đại biểu Quốc hội.
Vì vậy, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được đại diện cho cử tri bỏ lá phiếu của mình đánh giá, nhận xét đối với các chức danh là một vấn đề hệ trọng. Tôi nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội đều thấm nhuần tinh thần đó.
Gần 500 đại biểu sẽ không phụ lòng tin của nhân dân cả nước trong việc thực hiện sự ủy quyền của cử tri thực hiện công việc rất hệ trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bộ máy nhà nước Việt Nam chúng ta.
Chiều 24/10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: Có 472 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,95% tổng số ĐBQH), trong đó có 471 đại biểu tán thành (bằng 95,34% tổng số ĐBQH); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số ĐBQH). |
Xin trân trọng cảm ơn bà!