BVR&MT – Có một ngày hội rồi cả mùa hội hái rêu và ăn rêu như một thứ rau quý, thứ đặc sản núi rừng, thậm chí là thứ tín ngưỡng với thiên nhiên trong các cộng đồng người Thái. Ở Mường Lò, ở Sơn La, Điện Biên, rồi ở cả bờ sông Mê Kông bên Lào, Thái Lan, tục ăn rêu vẫn hiển hiện như một dòng chảy muôn thuở trong tâm thức các thế hệ bà con hồn nhiên và hòa hợp với cỏ cây đến tận cùng đó.
Vậy mà, 10 năm trước, khi lạc vào một mùa rêu thứ thiệt vùng Mường Lò (tỉnh Yên Bái), tôi lên mạng tìm hiểu qua Google, thì chỉ thấy vài kết quả về rêu cho cá ăn. Hoặc họ viết về các loài cá ăn rêu mà người phố thích nuôi làm cảnh. Bây giờ search (tìm) lại, vẫn chỉ thấy những gì mình viết từ ba nghìn sáu trăm ngày trước. Phải rồi, phận rêu cứ chỉ lẩn mình vào trong bụng nước vậy thôi. Tiệc rêu, hội rêu còn sắp bị ép biến mất nữa.
Ăn canh rêu ấm bụng, xích lại phía người yêu thì ấm lòng
Đến xuân nay, 2017, vượt qua đèo Ách, lội suối Cửa Nhì, tôi đã gặp lại một Mường Lò với ngòi Thia trong thơ Tố Hữu “Ngòi Thia sông Đáy suối Lê vơi đầy” – mọi thứ khác quá. Mười năm trước, đường vào Nghĩa Lộ Văn Chấn hiểm xa hơn bây giờ rất nhiều. Các khúc cua uốn lượn đến mức, bạn tôi phải viết thơ, rằng eo cô gái Thái thắt xà tích bạc nó thon gọn hơn, điệu xòe nó lí lơ hơn, là vì đường cua cong quá. Giờ đường mở rộng hơn. Đèo Ách cao vời bao năm ách bít các ngả đường vào Mường Lò, cánh đồng rộng thứ nhì miền Tây Bắc (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc) giờ cũng được san ủi hạ thấp độ cao, cắt cua dọn cỏ kỹ càng rồi.
Ông Lò Văn Biến vẫn mái tóc trắng muốt, dài thượt, xõa phủ như một pháp sư. Tóc tôi và tóc các con ông đã bạc sau mười mùa rêu suối, nhưng mái tóc trắng của ông già tám mươi vẫn không thể bạc thêm sợi nào suốt mười năm qua. Bà Lò Thị Piong – vợ ông Biến – vẫn treo trên vách nhà sàn bức ảnh tôi và bà chụp chung độ ấy: “Ông và bà vẫn nhắc con mỗi tuần, nhất là khi gió hanh lạnh thổi từ ngoài suối Thia ngược vào gầm sàn này”.
Lễ buộc chỉ cổ tay đón bạn cũ tưng bừng. Chỉ thiếu cậu con trai xấu số vì tai nạn giao thông của bà. Thiếu thêm cô bé Cầm Thị Nghiệp, bấy giờ 18 tuổi đeo vòng bạc, xà tích bạc và cuốn khăn xanh thắt eo làm vồng thêm các cặp bướm đực cái đan râu trên áo cóm. Họ Cầm là dòng dõi nhà quan. Năm ấy, Nghiệp ra suối hái rêu về cho mẹ Piong làm ba món chính trong tiệc rêu suối đãi tôi. Áo trắng học trò tinh khôi, Nghiệp mang mộng trắng trong, đeo ệp mang rêu về đập như người xưa đập lụa bên suối vắng. Mộng của Nghiệp là trở thành y tá thôn bản. Bản Thái xã Hạnh Công quê em nghèo. Sau mười năm, giờ Nghiệp đã trở thành y sĩ kỳ cựu, đang tu nghiệp tại Đại học Y Thái Bình.
Vật đổi sao dời, “bây giờ cải đã thành dưa, làng bao cô gái cũng vừa lớn lên”. Cô bé Lò Thị Duyên, hồi đó lon ton học lớp hai, nay đã mười tám tuổi, vẫn cười rúc rích, răng khểnh lấp lánh đầu nhà sàn. Duyên đi hái rêu cùng mẹ và các bà lão bản Căng Nà. Nghìn năm qua, người Thái ăn rêu từ trong bụng mẹ.
Khi gió lành lạnh luồn qua các chân rạ khô ải lao xao của cánh đồng Mường Lò, đông về, rêu lúc ấy đã vào mùa chờ hội. Rêu lún phún ven bờ đá, rêu buông tỏa lả lơi theo dòng nước. Rêu ôm ấp các hòn đá tròn nhẵn ven suối Thia, suối Cửa Nhì và hàng trăm con nước nhánh. Bên bếp lửa hồng, nghệ nhân ưu tú mới được phong tặng Lò Văn Biến kể cho lũ trẻ nghe về sự tích rêu suối Thia. Rằng đôi trai gái bản Thái yêu nhau, cô gái nhà giàu, chàng trai đêm đêm hát lượn ngày ngày bắt chim thì nhà nghèo. Bố mẹ ép gả chỗ rủng rỉnh “lắm chén uống rượu, nhiều thìa ăn canh”, họ lại là chỗ dòng dõi phìa tạo (thống trị) quyền hành nghiêng núi nghiêng rừng.
Chàng trai bỏ đi kiếm tiền xa xứ để phục hận. Khi giàu có trở về thì nghe tin cô gái đã tự vẫn trước đêm hợp hôn với con nhà phìa tạo. Tóc dài người con gái trong trắng thủy chung đã biến thành rêu trôi lan man xanh mượt trong lòng suối Thia. Nậm Thia gầm gừ khóc, núi rừng lăn đá hộc giận dữ, nước chồm lên ai oán. Chàng trai thương khóc người tình cũng gục xuống bờ suối và chết. Chàng biến thành đá, tóc rêu ôm lấy đá mơn man năm này qua năm khác.
Dân bản cảm động lắm. Một năm sương muối phá hết các tán rừng, rau cỏ chết rụi, các vị thần linh về mách bảo người bản Thái lấy rêu suối mà ăn. Rêu bám vào đá suối là cái tình của đôi nam nữ đang ngậm cười chín suối kia muốn tri ân bà con mình. Họ ăn thấy ngon, thấy ấm lòng trước sương giá mùa đông. Và các nhà khoa học thì chứng minh các hoạt chất trong rêu suối (một thứ rau tinh khiết) đã đem lại sự ấm, sức khỏe và đức chung trinh, sự quật cường của người Thái. Câu ngạn ngữ, rồi bài hát đầy tính triết lý của người Thái đã được lưu truyền từ nhiều nghìn năm qua. Tạm dịch như sau: “Xích gần lửa ấm người/ ăn canh rêu ấm bụng/ xích gần em ấm lòng”. Câu trên có trong cả lời cúng của thầy mo trong lễ tết, khi mà mâm cỗ có các món chế biến từ rêu.
Bà Hoàng Hạnh, người bao năm làm Chủ tịch thị xã Nghĩa Lộ (Mường Lò) rồi Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái, nay là Phó ban Chỉ đạo Tây Bắc đã sáng tác một bài thơ nổi tiếng, nhạc sĩ Trọng Loan phổ nhạc, có câu: “Kìa nước ngòi Thia lời yêu còn đó/ Xống chụ xon xao thêm vần thêm điệu”. Lời yêu trong ngòi Thia, là lời đôi trai gái đã trao cả mạng sống cho nhau, kẻ trở thành rêu suối, kẻ trở thành đá hộc trong làn nước, để suốt đời mơn man ôm ấp nhau.
Bí quyết chăm chồng của đàn bà Thái, phương thuốc của khách sơn tràng
Rêu ngon là phải xanh, mượt, buông mình dài thượt theo dòng suối trong. Thường là mùa cạn tiết đông, nước nguồn không bị mưa lũ làm vẩn đục thì rêu mới ngon. Nhiều đời bà con truyền tai nhau: Rêu ngon nhất phải là mỏ rêu ngòi Thia, sau nữa là mỏ rêu ở đầu nguồn suối Cửa Nhì. Người ta chỉ việc rón rén đi ngược dòng suối trong mà hái. Rêu được người Thái Việt Nam và người Thái ở Lào, Thái Lan chế biến thành rất nhiều món khác nhau. Có khi họ phơi khô giống như bảo quản nấm hương, mộc nhĩ, treo lên gác bếp ăn dần. Lúc ăn thì ngâm nước rồi nướng giòn hoặc xào. Cũng có khi họ nướng luôn các búi rêu khô từ gác bếp, ăn giòn tan, bùi ngậy.
Món phổ biến nhất vẫn là hái rêu từ suối về, đập giập rồi giặt kỹ cho rơi hết đất cát lá cây mục (nếu có), rồi nấu canh. Người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo sương mù, người Xá ăn theo lửa. Tức là người Thái bao giờ cũng tụ cư ở nơi rất màu mỡ, dồi dào nguồn nước từ sông suối, ao hồ. Tuy nhiên, dù thế, họ vẫn luôn thiếu rau. Thứ nhất, vì thói quen canh tác, họ chỉ trồng lúa nước, thả cá vào ruộng lúa rồi ăn cơm nếp với cá nướng ngay bên bếp lửa nấu cơm. Họ rất hiếm rau. Thứ hai, vì rau rất khó sống trong thời tiết khắc nghiệt của mùa thu đông hanh hao, sương muối dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn vời vợi.
Đó cũng là lý do để hội hái rêu, rồi tiệc rêu suối, truyền thống ăn rêu của người Thái thường phổ biến vào mùa cuối thu, đầu đông, khi người miền xuôi đón Tết Nguyên đán. Nếu là canh thanh tịnh với nước suối, thả ít muối rồi nhúng rêu vào ăn thì rất đơn giản. Nhưng để rêu ngọt, đậm, thì cần nước luộc thịt lợn, gà. Loại gà thả ngoài thung lũng, tối về ngủ trên cây. Loại lợn bản, khi luộc lên, mùi thơm nức trong nhà ngoài ngõ, ăn miếng thịt mỡ cũng không thấy ngấy.
Cái nước luộc ấy, giã thêm hạt giổi, hạt sẻn (các loại gia vị đồng rừng truyền thống của người Thái) vào, thế là thành món “kay tàu” (canh rêu). Mùi hạt giổi, hạt sẻn, khi nó bay lên, thì dù ở bất cứ đâu trên thế giới này, người ta đều có thể nhận ra, món ăn hoặc khoang bếp nhà sàn của người Thái đang hiện diện. Bây giờ, nhiều công ty mở các thương hiệu đặc sản và gia vị Tây Bắc, họ bán rất chạy và hạt sẻn, mắc khén trở thành thứ gia vị chủ đạo. Chúng đã phổ biến toàn Việt Nam.
Cái sự bùi, giòn, sậm sựt, thanh tao của rêu suối, thì không có thứ diệp lục nào vượt qua nổi. Nó rất đặc trưng. Dường như đó là lý do để loài cá anh vũ, cá ăn rêu đáy nước trở thành đặc sản tiến vua. Rêu suối ngon nhất là khi giã nhỏ hoặc vặt vụn thả vào bụng cá đem nướng.
Tiệc rêu suối thanh tao, rêu nướng, rêu nấu canh, lại còn rêu gói lá chuối, thả lẫn các loại hành, xả, hạt sẻn, mắc khén, ớt, tỏi rồi vùi trong tro nóng. Đó là thứ rêu ấm bụng, ấm lòng, rêu tăng cường sức khỏe cho các đức ông chồng. Đặc biệt là món rêu nộm ăn tươi sống (tau nửng chụp). Đấy là chưa kể còn rêu nghiền nhỏ (như nước sinh tố rêu) để uống, hoặc để quấy lên sền sệt như bột quấy cho trẻ em. Lúc chín, rêu xanh óng, xanh sậm tùy theo gia vị ướp tẩm.
Ăn xong bữa tiệc rêu, ai nấy toát mồ hôi giữa đêm gió lùa qua các chân cột nhà sàn lạnh buốt. Mùi lá chuối tươi cháy sém trong gói rêu nướng vùi bếp tro (cay pỉnh) có thể khiến bất cứ ai cũng cảm thấy nhớ quê, nhớ nhà, thèm nhớ cái thôn dã hoang sơ. Người Thái làm cay pỉnh còn cho thêm ít lá chanh, lá lốt, các lá này gói các túm rêu lại rồi kẹp từng túm dọc các thanh tre tươi, nướng trên than củi liu riu. Các nhà khoa học đã chứng minh, rêu suối có thể giúp người ta lưu thông khí huyết, chống cao huyết áp, giải độc, giải nhiệt. Nhất là với người đi rừng, rêu suối nướng có thể giúp chống sốt rét, chống ngã nước và nhiều bệnh do sơn lam chướng khí. Khách sơn tràng, ít ai không biết bí quyết ăn rêu suối đó.
Đặc sản kỳ khu trước thảm họa: Suối chết, hết rêu
Rêu suối đã được nâng lên tầm một hội hái rêu, một món ăn lạ và đậm chất núi rừng. Bà con người Thái thời mới không cố ý làm điều này, mà tự khắc cái lối ứng xử diễm tình của tổ tiên họ với thiên nhiên sông suối đã hun đúc nên. Không hiểu sao đàn ông Thái chỉ tặng bố vợ món này như một nghi lễ, mà không tặng mẹ vợ hoặc bố đẻ. Người Thái Mường Lò có các đặc sản về gạo mà vua biết mặt chúa biết tên, lại thêm món cá suối. Chân ruộng vừa đỏ đòng trĩu bông, đó cũng là thời điểm mà lũ cá lúc rúc lớn, lạch xạch bay mình lên khỏi mặt nước mà vít trộm vài bông lúa mẩy hạt nhất.
Sau mùa gặt, cá lại ăn lúa thừa lúa sót trong chân rạ trước khi người ta tháo nước để khói đốt đồng bay lên. Cơm mới, rêu suối, cá nướng đã tạo thành một tổ hợp đặc sản trong mọi mâm tiệc bên nếp nhà sàn bản Thái. Cô gái Thái đội khăn piêu, đeo một ếp hạt sẻn nhỏ quý giá bên hông xuống chợ Mường Lò, dù sơn nữ thừa thãi sản vật, nhưng em vẫn bán hạt sẻn thứ thiệt đó theo cách đếm từng hạt. Tết, miền xuôi hay miền ngược, ai mua được vài chục hạt đó của em, nó chỉ to hơn hạt lựu một chút, đem về rang, giã nhỏ, rảy vào thức ăn sống hoặc đã chín, thì thơm ám ảnh.
Túm rêu buộc đẹp như cái lọ hồ lô xanh đã lam nham cháy cạnh. Con cá nướng bổ đôi kẹp que tre chín ruộm rồi mà đôi mắt nó vẫn ở vị trí song song hai bên nẹp tre, thoáng trông như nó đang bơi bị mắc giữa hai que nứa. Cái tài thắt đáy lưng ong, vừa đẻ xong vẫn eo ót, cho con bú mấy lứa mà vẫn thon gọn như thiếu nữ vừa qua mười mấy mùa rêu, con đàn cháu đống vẫn cổ cao ba ngấn của người phụ nữ Thái lạ lắm. Lạ hơn là tài nấu rượu và làm món ăn cho chồng con.
Ông Lò Văn Biến và cộng sự (và các chuyên gia ở bốn tỉnh Tây Bắc) vừa làm xong hồ sơ sáu điệu xòe Thái cổ để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Vòng đại xòe lớn nhất Việt Nam (và cả thế giới) với sự tham gia của một nghìn hai trăm người vừa được tổ chức tại Mường Lò trong lễ hội trên mây, lễ hội Bay trên mùa vàng của Yên Bái. Nghệ thuật xòe và các cô xòe xứ Thái từng làm điên đảo Vua Thái Đèo Văn Long, từng làm các quan thầy thực dân ngơ ngẩn phát cuồng, sau thời gian thất truyền, bây giờ đang được vinh danh, phục hồi. Một phần bởi vì Mường Lò là đất cổ nhất của người Thái trên toàn thế giới hoặc ít ra là trong khu vực vài quốc gia lân bang với Việt Nam.
Sử sách viết rõ: Tổ tiên người Thái đến Mường Lò trước, rồi mới đi khắp Tây Bắc, sang Lào, sang Thái Lan. Người Thái tin rằng, ông tổ Lò Lạng Chượng của họ đã để lại bước chân khổng lồ của mình ở đèo Khau Phạ, con đèo nằm trong tứ đại đèo nổi tiếng hiểm trở và quyến rũ bậc nhất Việt Nam. Và, hiện nay, hồn của người Thái khắp thế giới vẫn phải tìm về Mường Lò, đến các cánh đồng mồ mả ven núi, đến ngọn suối trắng như tơ lụa rót từ đỉnh trời xuống nhân gian để rồi nương theo đó mà bay, mà trèo lên Trời.
Chuyện cọng rêu ngoài suối, chuyện cái ăn mùa sương giá khắc nghiệt của người Thái, hóa ra không phải là chuyện nhỏ hoặc chuyện ngẫu nhiên tình cờ. Đó là chuyện về một không gian văn hóa cổ xưa, nguyên bản, về lối ứng xử và nhân sinh quan, thế giới quan của cả một dân tộc có bề dày văn hóa rực rỡ.
Vậy nhưng, suối vùng Tây Bắc bây giờ không ít nơi bị ô nhiễm trầm trọng. Rêu thanh sạch, khảnh sống, khảnh tốt tươi đã không chịu nổi sự vấy bẩn. Suối không còn rêu. Hoặc có được ít rêu cằn thì chúng cũng ủ đầy đất đá, rều rác, đặc biệt là dầu mỡ nồng nặc loang ra của các công trình xây dựng tan hoang như B52 trải thảm. Ngòi Thia mơ mộng bước ra từ huyền sử, giờ đây, các khe suối thì bị san lấp bởi các công trình dân sinh vô lối. Lòng suối Thia ở khu vực cầu Thia nổi tiếng cũng trơ đáy, bị đào hang hốc lởm chởm, xe cơ giới lội cả ra giữa suối múc đất đá.
Nhiều ngôi nhà bắc ngang ngòi, suối, bêtông xâm lấn, xú uế thải thẳng xuống dòng nước vốn tinh khiết. Nhóm hái rêu mơ màng của bà Piong và cháu Lò Thị Duyên đi một vòng rồi lại mang ếp về. Họ bảo, rêu kia, lấy được về cũng không ai dám ăn. Bởi đất, rác, dầu mỡ nhiều hơn màu diệp lục. Giữa lúc đó, người Thái bây giờ mở rộng diện tích trồng rau, rau củ quả từ miền xuôi, từ Đà Lạt ra, từ Trung Quốc tràn sang, ngay cả khi mùa đông khắc nghiệt, mùa hái rêu trở về trong gió đông se sắt, bà con cũng ít khi nghĩ đến món canh rêu nữa.
Đêm Mường Lò, sương phủ lan man trên các dãy hàng ngô biến đổi gene dài dằng dặc. Khói ngô nướng thơm khêu gợi. Nam thanh nữ tú người Thái của cánh đồng Mường Lò “kẹp” ba kẹp bốn, tóc xanh đỏ, mặc quần bò bó gợi cảm, tay hí hoáy vuốt trượt điện thoại cảm ứng. Họ ăn nói chát chít sành điệu và tự hào với vẻ sành điệu đó. Nhà cửa ốp kín các mương nước, các con suối huyền thoại. Các cô gái hái rêu cùng tôi ấy, Cầm Thị Nghiệp đi học Đại học Y tít dưới Thái Bình, Lò Thị Duyên yêu sớm, sắp cất bước sang ngang, làm dâu xứ khác. Suối trước bản Căng Nà trắng xóa túi nylon, dòng chảy bị nghẽn lại vì rác. Nhà cửa kè chiếm, bắc khung bêtông qua suối cho hữu tình, thòi chuồng gà chuồng lợn ra suối cho tiện cọ rửa. Nhìn cảnh đó, người có tình với Tây Bắc cũng thấy tim mình thắt lại.
Bà Piong gắp cho tôi một đũa rêu xanh xám tỏa mùi quyến mời đến kỳ lạ. Ông Lò Văn Biến bảo, có lẽ, đây là mùa rêu cuối cùng rồi. Chợ Mường Lò năm nay khuyết gần hết các bà, các chị đi bán rêu. Rêu chỉ sống ở đầu nguồn con suối tinh khiết, cá ăn rêu – cá Anh Vũ – cũng ngon trong nước xiết trong lành. Các thứ thời trân ấy, sau mỗi mùa rêu, lại càng khan hiếm dần. Chúng đã dần từ bỏ loài người, bởi thế gian này không còn đủ tinh khiết nữa. Xót xa thay.