SARS-CoV-2 có ‘mạnh’ hơn vào mùa Đông?

BVR&MT – Các nhà nghiên cứu cho biết còn quá sớm để khẳng định liệu SARS-CoV-2 có phải là một loại virus theo mùa hay không, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự thay đổi thời tiết từ hè sang đông có thể sẽ góp phần làm bùng phát các đợt dịch lớn hơn.

Còn quá sớm để khẳng định SARS-CoV-2 lây lan mạnh mẽ hơn vào mùa Đông – Ảnh: Getty

Ông David Relman, nhà vi sinh vật học tại Đại học Standford ở California cho biết: “SARS-CoV-2 có thể sẽ phát triển mạnh trong những tháng tới. Chúng tôi nghĩ thời gian tới sẽ khá khó khăn cho chúng ta”.

Sự lây lan virus đường hô hấp cấp, bao gồm cúm và một số loại virus Corona khác, tăng mạnh vào mua đông và giảm vào mùa hè. Các nhà nghiên cứu cho biết còn quá sớm để khẳng định liệu SARS-CoV-2 có trở thành một loại virus theo mùa hay không, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự thay đổi thời tiết từ hè sang đông có thể sẽ góp phần làm bùng phát các đợt dịch lớn hơn, dựa trên những gì chúng ta đã biết về cách thức lây lan của virus và cách con người phản ứng lại với virus vào mùa đông.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy lây nhiễm virus theo mùa, trong đó có hành vi của con người và đặc tính của virus (một số loại virus không ưa điều kiện nóng, ẩm).

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy SARS-CoV-2 thích sống trong điều kiện khô, lạnh và tránh ánh sáng mặt trời. Ví dụ, bức xạ tia cực tím có thể làm bất hoạt SARS-CoV-2 trên bề mặt và trong không khí, đặc biệt là ở nhiệt độ khoảng 40 độ C. Virus truyền nhiễm cũng bị phân hủy nhanh hơn trong môi trường nóng ẩm. Vào mùa đông, mọi người có xu hướng sưởi ấm ngôi nhà ở nhiệt độ 20 độ C, không khí khô và không thông gió, ông Dylan Morris, nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton cho biết. “Điều kiện trong nhà vào mùa đông khá lý tưởng cho virus lan truyền”.

Tương tự, ông Mauricio Santillana, nhà nghiên cứu tại Đại học Y Havard, chuyên gia làm mô hình về sự lây lan của dịch bệnh, cho biết vì trời lạnh nên mọi người sẽ tiếp xúc thường xuyên hơn ở trong nhà – những nơi có hệ thống thông gió kém. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh.

Để đánh giá xem việc một virus có thể tăng hay giảm theo mùa hay không, các nhà nghiên cứu thường xem xét sự lây lan của nó tại một địa điểm cụ thể, nhiều lần trong năm và trong nhiều năm. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian, các nhà khoa học đã cố gắng nghiên cứu việc này bằng cách xem xét tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.

Các nhà khoa học đã công bố một nghiên cứu hôm 13/10 về xem xét sự gia tăng các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 4 tháng đầu tiên của đại dịch, trước khi các quốc gia áp dụng các biện pháp kiểm soát. Nghiên cứu chỉ ra rằng các ca lây nhiễm tăng nhanh nhất ở những nơi có ít tia cực tím hơn, đồng thời đưa ra dự đoán rằng nếu không có bất kỳ biện pháp can thiệp nào thì các ca bệnh sẽ giảm vào mùa Hè và tăng cao vào mùa đông.

Tuy nhiên, theo bà Rachel Baker, nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton, bang New Jersey, dù có thay đổi thời tiết hay không thì nguyên nhân chính làm gia tăng sự lây lan dịch bệnh vẫn là sự chủ quan của một lượng lớn người dân. “Dù mùa hè hay mùa đông thì quan trọng nhất chúng ta vẫn nên đeo khẩu trang và tránh xa chỗ đông người”, bà Baker nói.

Trong tương lai

Tuy nhiên, ông Francois Cohen, nhà kinh tế học môi trường ở Đại học Barcelona (Tây Ban Nha), cho rằng việc thử nghiệm này khá hạn chế bởi nó được xét xét trong thời kỳ đầu của đại dịch nên chưa thể xác định được ảnh hưởng của thời tiết đến sự lây lan của virus.

Bà Kathleen O’Reilly, nhà dịch tễ học tại Trường Y học Nhiệt đới London, cho biết nếu SARS-CoV-2 có thể tồn tại tốt hơn trong điều kiện lạnh giá thì vẫn rất khó để biết được ảnh hưởng của việc này lên hành vi của con người: “Cúm đã tồn tại hàng trăm năm và chúng ta vẫn chưa nắm được cơ chế lây nhiễm cúm cụ thể của con người”.

Và ngay cả khi các nhà nghiên cứu có dữ liệu đáng tin cậy hơn về SARS-CoV-2 thì họ cũng chỉ thấy được những tác động theo mùa rất nhỏ hoặc không đáng kể trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Tuy nhiên, theo thời gian, các tác động theo mùa có thể đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy lây nhiễm vì ngày càng có nhiều người tăng cường miễn dịch với virus. Bà Baker cho biết, quá trình này có thể mất tới 5 năm qua quá trình lây nhiễm tự nhiên hoặc ít nhất là khi con người được tiêm vaccine.

“Nhưng liệu một mô hình lây nhiễm theo mùa có xuất hiện hay không và nó sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời gian miễn dịch kéo dài bao lâu, khả năng phục hồi trong thời gian bao lâu và khả năng bị tái nhiễm của con người”, ông Colin Carlson, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu các bệnh mới nổi của Đại học Georgetown ở Washington D.C, nhấn mạnh.