BVR&MT – Thời gian qua, các tỉnh miền núi Đông Bắc đã thực hiện đồng bộ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sau sắp xếp, các xã đã hoạt động ổn định, hiệu quả, nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế đặt ra, đòi hỏi phải có sự đồng bộ, tính toán kỹ lưỡng hơn để ổn định trong thời gian tới.
Thượng Giáo, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) là xã mới sáp nhập từ hai xã Thượng Giáo và một phần xã Cao Trĩ. Khi sáp nhập có hơn 98% cư dân hai xã đồng ý với phương án đặt tên xã mới là Thượng Giáo. Sau hơn ba năm sắp xếp thành xã mới, hoạt động của chính quyền xã đã ổn định, hiệu quả. Điều đặc biệt là, nhờ sáp nhập, diện tích mặt sông mở rộng theo địa giới mới cho nên Thượng Giáo có điều kiện phát triển kinh tế chăn nuôi thủy sản hiệu quả hơn.
Xã Thượng Giáo đã thành lập Hợp tác xã thủy sản Sông Năng, là hợp tác xã duy nhất nuôi cá lồng trên sông Năng ở Ba Bể. Sau ba năm, Hợp tác xã hoạt động ổn định, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm thủy sản, nâng cao thu nhập cho thành viên và các hộ dân liên kết sản xuất. Sản phẩm bán ra thị trường với giá bình quân 70 nghìn đồng/kg, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Cá lồng sông Năng đã bắt đầu có thương hiệu, được đưa vào nhiều nhà hàng lớn trên địa bàn huyện Ba Bể, tiêu thụ tại thành phố Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Một nỗi lo khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở miền núi là nguy cơ “tạo khoảng cách” cho các thôn, bản xa khi đường sá về trung tâm xã sẽ xa hơn. |
Một nỗi lo khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở miền núi là nguy cơ “tạo khoảng cách” cho các thôn, bản xa khi đường sá về trung tâm xã sẽ xa hơn. Vì vậy, các tỉnh đều có tính toán kỹ lưỡng, hài hòa nhất có thể trên cơ sở sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân. Tại huyện Ba Bể (Bắc Kạn), xã Cao Trĩ thuộc diện phải sắp xếp với đặc thù nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Từ thực tế, Bắc Kạn đã sáp nhập sáu thôn, gồm: Bản Ngù 1, Bản Ngù 2, Bản Piềng 1, Bản Piềng 2, Nà Chả, Phiêng Toản về xã Thượng Giáo. Còn hai thôn xa so với trung tâm xã Thượng Giáo mới là Kéo Pựt, Dài Khao thì sáp nhập vào xã Khang Ninh. Phương án nêu trên nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Tại các thành phố, việc sắp xếp đơn vị hành chính xã, phường được triển khai đồng bộ. Thời gian qua, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên sắp xếp các xã Phúc Hà, Sơn Cẩm, Quyết Thắng và phường Quan Triều. Phương án là nhập các xóm của xã Phúc Hà vào phường Quan Triều và xã Quyết Thắng, giải thể xã Phúc Hà. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo ở cả hai cấp xuống tận xóm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, giải thích cho nên nhân dân đồng thuận cao. Đặc biệt, gần 100% người dân Phúc Hà đồng thuận giải thể xã, nhập vào phường Quan Triều, xã Quyết Thắng và đưa Quyết Thắng thành phường”.
Theo Bí thư Huyện ủy Phú Lương (Thái Nguyên) Nguyễn Quốc Hữu, địa phương đã tiến hành quy trình thận trọng, bài bản, khoa học; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải thích rõ ràng, thấu đáo cho nên gần như 100% người dân đều đồng thuận. Huyện có phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, sử dụng tài sản công sau sắp xếp ổn thỏa, góp phần giảm bộ máy cán bộ cấp xã, sử dụng tài sản công hiệu quả, tránh lãng phí. Điều quan trọng nhất là, sau sắp xếp, bảo đảm các địa phương ổn định sẽ có không gian lớn hơn để phát triển.
Do đặc thù địa hình miền núi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trong khi cư dân sinh sống rải rác, cho nên dù đã có nhiều nỗ lực tính toán nhưng thực tế sau khi sáp nhập tình trạng thôn, bản đang gần trung tâm xã, huyện nay bỗng dưng thành xa xôi là điều không tránh khỏi. Tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sau khi hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính xã đã xuất hiện tình trạng từ trung tâm xã xa nhất đến trung tâm huyện, người dân phải di chuyển quãng đường hơn 70 km. Các xã sau sáp nhập, chỉ có một trạm y tế xã, người dân phải di chuyển xa hơn để được chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập xã, phường cũng là vấn đề nan giải và tốn nhiều thời gian cho các địa phương. Đi đôi với đó là tình trạng “thừa” trụ sở chính quyền sau sáp nhập, dẫn đến lãng phí. Đến đầu năm 2024, Bắc Kạn vẫn còn hai trụ sở cấp xã và 10 nhà văn hóa, nhà họp thôn dôi dư chưa được xử lý triệt để.
Sau sắp xếp, tỉnh Bắc Kạn có số lượng cán bộ cấp xã dôi dư lớn, với 99 cán bộ, công chức và 20 người hoạt động không chuyên trách. Không sắp xếp được ngay nên tỉnh phải tạm thời bố trí vượt quy định trong một thời gian. Tại Cao Bằng, sau sắp xếp, tỉnh có tới 795 cán bộ, công chức dôi dư. Cho đến nay, tỉnh mới hoàn thành sắp xếp được 628 cán bộ, công chức xã dôi dư bằng hình thức chuyển thành công chức, viên chức cấp huyện, chuyển công tác; chuyển công tác đến xã khác; nghỉ hưu, thôi việc. Còn lại 167 cán bộ, công chức dôi dư phải tiếp tục sắp xếp trong thời gian tới.
Quá trình triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở ba tỉnh nêu trên cho thấy, thời gian triển khai lấy ý kiến cử tri ngắn, trong khi công tác tuyên truyền, vận động chưa được kỹ càng. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng người dân chưa hiểu rõ chủ trương dẫn tới một số xã phải tổ chức lấy ý kiến cử tri tới hai lần. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư lớn, khó giải quyết, có vị trí việc làm bố trí công chức đảm nhiệm vượt quy định. Có trường hợp cán bộ, công chức dôi dư nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ theo quy định cho nên thiệt thòi khi thực hiện các chế độ. Các đơn vị hành chính cấp xã mới cơ bản chưa đạt hai tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định.
Quá trình triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở ba tỉnh nêu trên cho thấy, thời gian triển khai lấy ý kiến cử tri ngắn, trong khi công tác tuyên truyền, vận động chưa được kỹ càng. |
Để sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, các tỉnh thực hiện các giải pháp, tạm dừng tuyển dụng công chức cấp xã để điều động, tiếp nhận từ xã này sang xã khác, từ huyện này sang huyện khác cho đến khi cơ bản giải quyết được số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập. Các tỉnh tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông thông qua lồng ghép các nguồn lực để kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, giúp người dân đi lại thuận lợi. Đối với các trụ sở xã “thừa” sau sáp nhập, từng tỉnh đã lên phương án quản lý, sử dụng để tránh gây lãng phí.
Khắc phục tình trạng sau sáp nhập nhiều trạm y tế bỗng “xa” dân, theo Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng Nông Tuấn Phong, ngành y tế của tỉnh đã xây dựng đề án và thành lập lại 11 điểm trạm y tế ở các xã sau sáp nhập, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến năm 2027, ngành y tế Cao Bằng sẽ khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các điểm trạm y tế để có giải pháp sắp xếp, bố trí mạng lưới y tế xã phù hợp với nhu cầu.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh chia sẻ, bài học kinh nghiệm là, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ về nhiệm vụ chính trị, lợi ích, hiệu quả của việc sắp xếp, sáp nhập. Mặt khác, cần tính toán kỹ những vấn đề phát sinh sau sáp nhập và giải quyết tốt.
Thực hiện kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường chưa đạt chuẩn giai đoạn 2019-2021, ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng đã triển khai đồng bộ, bài bản, bảo đảm đúng quy định và mốc thời gian đặt ra. Bắc Kạn đã hoàn thành sắp xếp 30 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, tỉnh giảm được 14 đơn vị hành chính cấp xã; 112 tổ chức, đơn vị và 230 cán bộ, công chức xã. Tỉnh Thái Nguyên sắp xếp 16 đơn vị qua đó giảm sáu đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Cao Bằng đã sáp nhập 76 xã, thị trấn để thành lập 38 xã, thị trấn, qua đó giảm được 38 đơn vị hành chính cấp xã. |