Sẵn sàng nguồn cung nông sản, thực phẩm cho dịp Tết

BVR&MT – Tết Tân Sửu 2021 đang cận kề, nông dân cả nước tích cực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chăm sóc rau màu…, phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn trên thị trường khá dồi dào, tạo cơ hội tăng thu nhập cho nông dân.

Siêu thị Co.opmart Cà Mau dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2021.

Ða dạng mặt hàng

Vụ đông 2020, các tỉnh phía bắc gieo trồng từ 420 nghìn đến 450 nghìn ha (chủ yếu là ngô, đậu tương, lạc, khoai tây, khoai lang, rau màu các loại), tăng khoảng 10 đến 20% diện tích so với vụ đông năm trước. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT), các địa phương đã tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, đồng thời mở rộng diện tích tiêu thụ các loại rau có thị trường tiêu thụ tốt như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, các loại nấm… Mặc dù thời tiết bất lợi (rét đậm, rét hại kéo dài), gây khó khăn trong việc trồng, chăm sóc, song về cơ bản nguồn rau vẫn đủ cung cấp cho thị trường. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rau Văn Ðức (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) Nguyễn Văn Minh cho biết: Với diện tích 220 ha rau an toàn, bà con đang đẩy mạnh sản xuất để trong dịp Tết Nguyên đán mỗi ngày có thể cung cấp từ 50 đến 60 tấn rau các loại tới người tiêu dùng. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cho nên năng suất cam, bưởi, phật thủ của thành phố tăng đáng kể, chất lượng tốt, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Riêng mặt hàng thịt lợn, nhiều địa phương tái đàn, tăng đàn lợn đạt hiệu quả cao, số lượng lợn tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, cho nên cung – cầu nguồn thịt sẽ bảo đảm. Bộ NN và PTNT cho biết, hiện tổng đàn lợn cả nước là 27,3 triệu con (tăng 20% so với tháng 1-2020 và bằng 87% so với tổng đàn trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Việt Nam). Ðơn cử như tại Bình Dương, theo Sở NN và PTNT tỉnh, trong dịp Tết, mỗi ngày địa phương cung ứng 2.000 con lợn cho thị trường nội tỉnh, từ 3.000 đến 4.000 con cho các tỉnh lân cận.

Theo Sở Công thương Hà Nội, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, gồm: gạo hơn 292 nghìn tấn, thịt lợn gần 57 nghìn tấn, thịt gà gần 19 nghìn tấn, thịt bò hơn 18 nghìn tấn; trứng gia cầm 396 triệu quả; rau củ 315 nghìn tấn; thực phẩm chế biến hơn 11 nghìn tấn; thủy hải sản gần 16 nghìn tấn; trái cây 156 nghìn tấn; ước tính tổng giá trị đạt khoảng 39.400 tỷ đồng. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, thông qua hơn 12 nghìn điểm bán, trong đó có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm, 1.438 điểm bán tại các chợ… Nhiều địa phương khác cũng có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng đủ cho thị trường. Tại Tiền Giang, các doanh nghiệp trong tỉnh có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ với tổng trị giá gần 444 tỷ đồng; trong đó, các mặt hàng thiết yếu khoảng 98 tỷ đồng…, không để xảy ra biến động về giá hay thiếu hàng vào thời điểm giáp Tết. Ở tỉnh Cà Mau, tổng giá trị các mặt hàng dự trữ trong dịp Tết năm nay là hơn 1.280 tỷ đồng, tăng gần 4,7% so với Tết năm trước.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Ðể nhân dân cả nước đón Tết đầm ấm, tiết kiệm, một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc này của các bộ, ngành liên quan gồm: NN và PTNT, Công thương, Y tế là đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bởi ở nhiều nơi, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (chủ yếu là các điểm nhỏ lẻ, thường xuyên biến động) vẫn có những vi phạm. Từ ngày 1-1 đến hết 20-3-2021, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về VSATTP đã thành lập sáu đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2021. Trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có các yếu tố nguy cơ cao như: thịt và các sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn. Khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt; không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc, hỏng; tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm. Cùng với đó, các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng, Tuyên Quang, Nam Ðịnh cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra trên địa bàn nhằm bảo đảm VSATTP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về VSATTP đến cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân.