BVR&MT – Tây Nguyên mùa chuyển nắng, từng đợt mưa thưa dần, nhóm thợ săn ở vùng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) – nơi tiếp giáp với địa phận tỉnh Đắk Nông lại bắt đầu một mùa săn đêm.
Từng nhóm người đổ vào rừng sâu mở những đợt cao điểm “càn quét” tận diệt động vật rừng. Lần này, loài họ nhắm tới chính là lớp bò sát, vốn đang được thị trường rất ưa chuộng và đặt hàng, đó là kỳ tôm, hay còn gọi là rồng đất…
Kỳ tôm ngoài môi trường hoang dã được bán với giá cao hơn rất nhiều so với được nuôi nhốt lấy thịt thương mại. Giới sành ăn sẵn sàng bỏ tiền triệu để được sở hữu, thưởng thức 1kg kỳ tôm săn bắt ở môi trường tự nhiên.
Cùng với những đồn thổi kỳ tôm rừng có thể chữa được một số loại bệnh nan y nên thịt loài bọ sát này đang trở thành cơn sốt ở các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng, lâu nay vốn được xem là nơi cư ngụ của kỳ tôm.
Sau mấy tháng trời sùng sục đổ mưa, những buổi nắng trọn vẹn trong ngày cũng đến lúc hiện hữu trong sự nóng lòng chờ đợi của các nhóm thợ săn vùng giáp ranh Lộc Bắc. Suốt cả mùa mưa rừng, không những “chẳng làm được việc gì cho ra hồn”, nhóm bạn của tôi ở xã Lộc Bắc còn lâm vào nợ nần chồng chất.
Phần lớn số nợ này là ký sổ mua mồi và rượu để “nhậu giải sầu”, chờ ngày nắng lên. Bản tính vốn chân chất, đã nợ là đằng nào cũng trả, không bằng tiền thì cũng là hiện vật có giá trị tương đương. Cuộc sống người dân cộng đồng nơi rừng núi, dân dã nghèo nàn, không cho phép họ sống thủ đoạn, tính toán hơn thiệt và vụ lợi cá nhân.
Sự tin tưởng, gắn kết luôn là sợi dây vô hình ràng buộc cộng đồng, dòng tộc ở vùng rừng núi hẻo lánh này. Thành thử, nhóm thợ săn được chủ các quán nhậu bình dân ở địa phương vui vẻ cho ký sổ. Có khi mùa mưa vừa kết thúc, mỗi người trong nhóm đã nợ tới cả bạc triệu chẵn tiền “ăn nhậu giải sầu”.
Nắng lên rồi, đẩy lùi những cơn mưa rừng lê thê, nhóm thợ săn mừng rỡ như bắt được vàng. Bây giờ là thời điểm từng nhóm đua nhau vào rừng săn bắt kiếm tiền trả nợ, mua cơm gạo nuôi vợ con sau những tháng ngày chìm trong men say và đói kém.
Công nghệ săn bắn và nhu cầu tiêu thụ thịt rừng ngày nay không sao kể xiết. Các loại động vật ngoài tự nhiên trở nên khan hiếm, cạn kiệt một cách chưa từng có. Thú rừng từng một thời ngự trị rừng già ở vùng Lộc Bắc như hươu, nai, cheo cheo, heo rừng, cầy hương, khỉ, chồn… bị diệt vong sau những tiếng súng chát chúa lạnh lùng của người thợ săn. Bây giờ, rừng già cũng chỉ còn lại phần lớn là cây bụi, những loài gỗ to lớn, quý hiếm không còn nữa.
Động vật rừng phổ biến là lớp bọ sát, trong đó phải kể đến loài kỳ tôm, vốn đang là món khoái khẩu không quá hiếm hoi trong các quán nhậu. Thực khách chấp nhận trả giá cao thì kiểu gì cũng có.
Nguồn cung cấp kỳ tôm cho các hàng quán sang chảnh ở đô thị chính là những nhóm thợ săn chuyên nghiệp sinh sống ngoài bìa rừng. Nhưng với kiểu săn bắn tận diệt để phục vụ nhu cầu bất tận của con người, không bao lâu nữa kỳ tôm cũng như những loài động vật khác mà thôi!
KThiên năm nay 35 tuổi nhưng đã có tới 25 năm kinh nghiệm đi rừng săn bắn. Nhóm của Thiên gồm 4 người, đều có quan hệ họ hàng, sống sát nhà nhau. Đồ nghề săn kỳ tôm của nhóm tối nay thật đơn giản. Mỗi người một chiến đèn pin gắn trên đầu, cây sào dài khoảng 3m kèm theo thòng lọng được làm bằng sợi phanh xe đạp.
Một bao lưới để đựng kỳ tôm, và cả nhóm dùng chung một khẩu súng cồn tự chế bắn bằng đạn bi. 22h khuya, trời rừng tối đen như mực làm nổi bật lên những ánh đèn pin chập chờn như ma chơi rọi dọc ngang hai bên bờ suối Đạ Siat.
Kỳ tôm cũng như nhiều loại động vật khác thường thích sinh sống dọc theo con suối để tiện bề săn mồi và tìm bạn đời kết đôi sinh sản. Các tay thợ săn dùng đèn pin sục sạo mọi ngõ ngách để tìm kỳ tôm. KThiên không phải là người lớn tuổi nhất đêm nay, nhưng anh được xem là điểm tựa của nhóm vì tài săn bắt và phát hiện con mồi.
“Kỳ tôm có màu xanh lá chuối khi nằm ngủ trên tán cây nên ở khoảng cách 70m đã thấy chúng phản quang với ánh đèn pin rất dễ nhận biết!…”, KThiên bày cho tôi cách tìm kiếm loài bò sát này.
Thật ra, để săn bắt được kỳ tôm giữa rừng vào ban đêm không hề đơn giản, điều đó đòi hỏi kỹ năng “đi rừng” của mỗi người. Kinh nghiệm tìm kiếm, quan sát và nhận biết kỳ tôm ẩn trong lớp cây bụi là giai đoạn quan trọng, quyết định đến chuyện thành bại của một chuyến săn đêm.
KThiên giật tay tôi, hất hàm ra hiệu theo ánh đèn pin chiếu về phía bụi rậm cạnh một tảng đá lớn. “Nó đấy!..” – Anh quả quyết là đã nhìn thấy một con kỳ tôm trong khi tôi đang cố căng mắt quan sát nhưng chẳng thấy gì. Tôi được “lệnh” đứng yên một chỗ để tránh gây ra những phiền toái cho giai đoạn bắt con kỳ tôm mới phát hiện này.
Phải thật sự khéo léo, nhẹ nhàng, chỉ một tiếng động mạnh, con vật kia sẽ tỉnh giấc. Một khi đã nhảy xuống dòng suối thì khó có thể tìm lại được vì loại bò sát này biết bơi và lặn trong nước rất giỏi. Như một con sóc sành sỏi giữa rừng già, bất chấp bóng đêm, KThiên thoăn thoắt trèo lên tảng đá lớn.
Con kỳ tôm đoản mệnh chẳng hề hay biết đây là khoảnh khắc cuối cùng được vùng vẫy giữa rừng già. Người thợ săn 25 năm kinh nghiệm nhẹ nhàng vươn cây sào đưa thòng lọng tròng vào cổ con kỳ tôm đang ngái ngủ rồi giật mạnh. Chỉ trong chớp mắt, dây phanh tàn ác đã xiết chặt cổ con vật nhỏ bé đáng thương. Giật mình, con kỳ tôm cố oằn giãy giụa tìm kiếm cơ hội thoát thân nhưng đành bất lực.
“Con này ít nhất cũng 5 lạng. Mùa trước, cũng chỗ này mình đã bắt một con gần 2 ký đấy!..”, KThiên nói rồi cởi nút thắt gỡ con kỳ tôm cho vào bao. Cả nhóm thợ săn 4 người dàn thành hàng ngang tiếp tục “càn quét” hai bên bờ suối Đạ Siat.
Rồi con kỳ tôm nữa được phát hiện trên một cành cây khá cao. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là con vật kia có cơ hội thoát thân. Bỗng tiếng huýt sáo của KThiên vang giòn giữa rừng già. Đó là ký hiệu để cả nhóm tập trung.
Chỉ vài phút sau, KBrin, người có trách nhiệm ôm khẩu súng cồn tự chế đã có mặt. KBrin năm nay ngoài 50 tuổi, nói về tài bắn súng trong buôn khó ai có thể sánh kịp. Cách đây nhiều năm, trong một buổi đi săn, người đàn ông này đã một tay bắn hạ 3 con lợn rừng, trong đó có con nặng gần 50kg với răng nanh dài cả gang tay.
Một tiếng “tạch” khô không khốc vang lên giữa rừng đêm. Chừng hai giây sau, phát đạn mạnh và chính xác giữa đầu khiến con kỳ tôm rơi tõm xuống suối. Vớt con kỳ tôm mềm oặt, đầu còn rỉ máu, nhóm thợ săn cho biết sẽ mang về làm mồi nhậu do con vật đã chết, bán thường bị người mua ép giá.
“Kỳ tôm có thể thay đổi da từ màu xanh lục sang đỏ, vàng, thậm chí đổi màu da theo thời tiết hay khi nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm. Ban đêm, chúng ưa ngủ trên các cành cây cách mặt nước suối tầm 1,5m để làm mát cơ thể từ hơi nước bốc lên.
Càng về khuya chúng càng ngủ say, nhưng khi phát hiện có dấu hiệu nguy hiểm nó chạy rất nhanh lẩn trốn vào bụi rậm…”, KThiên tỏ ra kinh nghiệm. Chưa đầy 2 giờ, nhóm thợ săn đã “quét” theo con suối rừng với chiều dài khoảng 3km. Thành quả đạt được là hơn 6kg kỳ tôm. KThiên bảo, mùa này nếu đi săn tới 2-3h sáng cả nhóm có thể kiếm được không dưới 10kg.
Về khuya, rừng già càng tĩnh lặng, nổi bật lên những âm thanh của các loại côn trùng vẫn kiên trì gọi nhau tìm bạn đời. Nhóm thợ săn đêm không trừ bất cứ con gì, miễn là có thể ăn được, gồm cả rắn, ếch, nhái, chim, sóc, cá…
Những con kỳ tôm săn được sau một đêm vất vả được bán cho chủ các điểm thu mua đã đặt hàng từ trước. Các loại chim chóc, ếch nhái… sẽ được chế biến thành món nhậu, mọi thứ được tận dụng tối đa, không con vật nào bị vứt bỏ. Trước đây, những người đi săn kỳ tôm như nhóm của KThiên thường chỉ bắt những con có trọng lượng từ 3 lạng trở nên.
Thế nhưng, vài năm gần đây xuất hiện tin đồn mật kỳ tôm chữa hiệu quả bệnh hen suyễn, ho, và thịt của loại bò sát này rất bổ dưỡng. Dù chưa biết thực hư ra sao nhưng các điểm thu mua không loại trừ con kỳ tôm nào khi nhóm thợ săn đem đến bán.
Để săn được nhiều kỳ tôm, nhóm của KThiên phải cạnh tranh với các nhóm săn bắt khác tại địa phương. Họ cố gắng tìm tới những địa điểm ít người đặt chân tới, vì nơi này kỳ tôm vẫn còn nhiều.
KThiên cho biết, chỉ riêng xã Lộc Bắc có không dưới 10 nhóm chuyên đi săn bắt kỳ tôm để cung cấp cho các điểm thu mua trên địa bàn và các huyện lân cận. Giá kỳ tôm được nhóm thợ săn bán 300.000 đồng/kg với con có trọng lượng từ 3 lạng trở lên. Những con có trọng lượng dưới 3 lạng có giá từ 150.000- 200.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi được đưa tới quán nhậu, giá kỳ tôm rừng lập tức được đẩy lên cả triệu đồng/kg nếu là con to. Ở các con suối lớn giữa rừng già, như suối Đa Tong Kriong, Đạ Siat, Đạ Kôi, Đạ Sou, Đại Nga.. thuộc huyện Bảo Lâm, hiện đều có các nhóm chuyên săn bắt kỳ tôm. Vào mùa rừng chuyển nắng, chưa đêm nào vắng bóng người thợ săn các loại động vật rừng theo kiểu… tận diệt.
Người lớn tuổi nhất trong nhóm thợ săn, ông KBrin nhấp sâu một chén rượu đắng sau một đêm trắng xuyên rừng săn kỳ tôm. Dù thành quả của chuyến đi săn không quá tệ, chia ra mỗi người cũng được khoảng 300.000 đồng nhưng KBrin không vui.
Ông nói rằng, cách đây hơn 10 năm, chẳng mấy ai muốn bắt kỳ tôm dù nó có chạy ngang dọc trước mặt. Còn bây giờ, khi các loại động vật thuộc lớp thú cạn kiệt, con người chuyển sang tận diệt lớp bò sát. “Chẳng mấy chốc nữa rừng già hết tất cả!..”, KBrin chua chát thở dài theo chén rượu vừa nuốt mạnh nghe rõ đến “ực”.