BVR&MT – Tại Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”, mã số KC.01/16-20, ngày 16/10 vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, tổng kết sau 4 năm triển khai (từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2021).
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình KC.01/16-20 cho biết, Ban chủ nhiệm đánh giá các nhiệm vụ đã đáp ứng 80% mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm dự kiến của Chương trình. Kết quả sản phẩm khoa học công nghệ đạt được gồm 18 loại sản phẩm thiết bị máy móc (281 thiết bị), 44 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu, 30 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín, 28 bài báo trên các tạp chí trong nước, 34 bài báo trong hội thảo quốc tế, 8 bài báo hội thảo trong nước, đào tạo 78 thạc sĩ, tham gia đào tạo 35 tiến sĩ, 19 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý, các nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Nhiều giải pháp phần mềm, các nhóm nghiên cứu đã ứng dụng những công nghệ, giải pháp tiên tiến như công nghệ xử lý dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ điện toán đám mây; mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) phát triển các giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá cho các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử.
Nhiều sản phẩm đã được triển khai ứng dụng thực tế phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử: dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách, phần mềm cung cấp dịch vụ hành chính công cấp tỉnh trên cơ sở nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, hệ thống thu thập dữ liệu và phân tích một số chỉ số hiệu năng thực hiện (KPI) của đô thị thông minh, nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tổ chức quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý đất đai ứng dụng công nghệ chuỗi khối, nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị…
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Văn Tùng, đánh giá cao các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình và cho rằng, các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình về cơ bản đã phủ đều ba mục tiêu đã đặt ra: Các sản phẩm phần cứng, phần mềm, giải pháp tích hợp, nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động của Chính phủ điện tử; Các sản phẩm cho phát triển và hoàn thiện hạ tầng Công nghệ thông tin của Chính phủ điện tử; Một số dự thảo để từ đó hình thành nên Tiêu chuẩn quốc gia, các hướng dẫn kỹ thuật trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh.
Thứ trưởng cho biết, nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phát triển Chính phủ điện tử, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục được giao nhiệm vụ “Tiếp tục triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm CNTT phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới trong giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”.
Tại Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu đã được thực hiện giữa các đơn vị.