BVR&MT – Chiều 1/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức loan báo Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015, văn kiện mà cựu Tổng thống Barack Obama đã ký cùng đại diện 195 nước.
Truyền thông Mỹ đưa tin “chấm dứt đồn đoán trong những ngày qua, ông Donald Trump loan báo sẽ chấm dứt sự chấp hành của Mỹ với một số điều không mang tính ràng buộc của thỏa thuận Paris ngay lập tức, đồng thời cũng kêu gọi đàm phán để đạt được một thỏa thuận công bằng”.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được đại diện 195 nước ký kết tại Paris (Pháp) năm 2015.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quốc tế, một văn bản nhận được tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy. Hiệp định minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.
Hiệp định Paris 2015 quy định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
“Nỗi thất vọng lớn”
Quyết định nói trên của Tổng thống Mỹ đã khiến những người ủng hộ việc bảo vệ môi trường thất vọng.
TTXVN đưa tin sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là “nỗi thất vọng lớn”. Tuy nhiên, ông Guterres cũng bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đối khí hậu toàn cầu và sẵn sàng “hợp tác với Chính phủ Mỹ, các nhân tố khác tại Mỹ và thế giới để xây dựng một tương lai bền vững cho các thế hệ con cháu”.
Trong phản ứng tương tự, lãnh đạo 3 nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung khẳng định Hiệp định Paris sẽ không thể được đàm phán lại.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel nói rằng bà lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức cho biết bà Merkel sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực trong chính sách về chống biến đổi khí hậu nhằm “cứu Trái đất”.