BVR&MT – Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, trong 5 tháng đầu năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ xảy ra 3.442 vụ vi phạm lâm luật. Cơ quan chức năng đã xử lý 2.915 vụ, tịch thu hơn 4.000 m3 gỗ
Riêng tại Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 688 vụ vi phạm lâm luật, trong đó 5 vụ xử lý hình sự, còn lại là xử phạt hành chính. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1.360 m3 gỗ từ nhóm IIA đến nhóm VIII và 376 phương tiện, công cụ phá rừng; xử lý hơn 300 đối tượng.
Vướng quy định, chưa thể xử lý
Hơn 1 năm trước, ngày 20/6/2016, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chủ trì hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, không chuyển đổi số rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác.
Thủ tướng cũng giao cho chủ tịch UBND các tỉnh có trách nhiệm đối với những vụ mất rừng trên địa bàn; giao trách nhiệm đến từng chủ tịch UBND huyện, xã để nâng cao vai trò quản lý. Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, công an, quân đội, VKSND, TAND… vào cuộc, nâng cao trách nhiệm được giao để ngăn chặn tình trạng phá rừng; nghiêm khắc xử lý các chủ rừng, bảo vệ rừng móc nối với lâm tặc phá rừng.
Từ đó đến nay, Chính phủ cũng ra nhiều văn bản, tái khẳng định chủ trương đóng cửa rừng nhưng thực tế, rừng vẫn ngày đêm “chảy máu”.
Cuối năm 2016, trong vai người đi mua gỗ, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận người bán những bộ sập du sam quý hiếm. Sau nhiều công đoạn kiểm tra, chủ nhân của những bộ sập ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông khẳng định gỗ được lấy từ đỉnh núi Nam Nung (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, tỉnh Đắk Nông), có giá 200 triệu đồng/bộ.
Từ manh mối này, phóng viên đã băng rừng vào tiểu khu 1133, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Nơi đây vốn được mệnh danh là “đỉnh trời” vì có độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, địa hình hiểm trở, ít người lui tới.
Sau hơn 8 giờ đi bộ, vượt qua nhiều ngọn núi, khung cảnh trải dài trước mắt phóng viên không phải là những cánh rừng bạt ngàn mà là hàng loạt du sam cổ thụ bị đốn hạ la liệt. Càng vào sâu, mật độ cây du sam bị chặt hạ càng dày. Phần lớn những cây này có đường kính 1,5-2 m, bị cưa xẻ để lấy gỗ.
Từ phản ánh của báo chí, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc điều tra, qua đó xác định có 25 gốc cây du sam bị đốn hạ, hiện trường còn lại hơn 82 m3 gỗ tròn và gỗ xẻ. Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc có sự tiếp tay, bảo kê của lực lượng kiểm lâm để xảy ra tình trạng lâm tặc ngang nhiên khai thác, vận chuyển gỗ quý trong thời gian dài hay không, ông Lê Công Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, nói: “Đây là câu hỏi khó!” và thừa nhận có trách nhiệm của cá nhân, tổ chức.
Đến cuối tháng 2, đầu tháng 3/2017, chúng tôi lại chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá nghiêm trọng trên địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, cách trạm giữ rừng của công ty lâm nghiệp chỉ khoảng 700 m, lâm tặc còn dựng lán trại, đem cưa mâm di động vào tổ chức khai thác như một công xưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc kiểm điểm trách nhiệm đối với 2 đơn vị liên quan gặp khó khăn vì quy định, thể chế xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong các đơn vị chủ rừng là công ty TNHH 2 thành viên chưa có (!?). Do vậy, chi cục chưa tổ chức kiểm điểm được nên đang báo cáo UBND tỉnh về hướng xử lý.
Vì sao cơ quan chức năng không biết?
Tháng 4/2017, người dân thông tin đến Báo Người Lao Động về việc phá rừng tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Cuối tháng 4-2017, nhóm phóng viên của báo đã vào cuộc xác minh và chứng kiến cảnh tượng tan hoang của những khu rừng ngàn tuổi.
Tại khu rừng bị tàn phá, chúng tôi còn nghe tiếng cưa máy của lâm tặc gầm rú, tiếng cổ thụ bị đốn hạ ngã xuống ầm ầm vang động. Chúng tôi chạm mặt một nhóm lâm tặc khoảng 5 người đang đốn hạ một cổ thụ ở sườn đồi. Phía trên con đường mòn, nhóm người hì hục chằng buộc dây vào 1 khúc gỗ, dùng trâu vận chuyển ra ngoài.
Vì sao lâm tặc lại ngang nhiên mang cưa máy vào đốn hạ cây giữa ban ngày? Trong khi đó, những bãi tập kết gỗ này nằm sát con đường mòn tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng. Tiếng cưa gầm thét, dồn dập liên tục trong thời gian dài nhưng vì sao lực lượng bảo vệ rừng lại không hề hay biết?
Khi về tới trung tâm huyện Krông Bông, chúng tôi đã phản ánh vụ việc với lực lượng chức năng. Tất cả đều thừa nhận không biết chuyện rừng bị phá và không xác định được khu vực mà phóng viên ghi hình do đơn vị nào quản lý!
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp xác minh thông tin Báo Người Lao Động phản ánh, xác định vị trí bị chặt hạ thuộc lô 14, khoảnh 3, tiểu khu 1189 do UBND xã Cư Đrăm quản lý. Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông lập hồ sơ vụ vi phạm và xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ đối tượng liên quan.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ… vẫn diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi với thủ đoạn tinh vi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng, đáng chú ý là việc phân công, phân trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp chưa thể hiện rõ trong các quy định.
Vẫn chưa yên với thủy điện Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định không chuyển đổi bất kỳ diện tích rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích khác, kể cả dự án đã phê duyệt. Tuy nhiên, tại Đắk Lắk, tháng 2-2017, UBND tỉnh có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chuyển đổi 5,41 ha đất rừng đặc dụng thuộc Khu Dự trữ thiên nhiên Nam Ka (huyện Lắk) để xây dựng Nhà máy Thủy điện Chư Pông Krông. Thủy điện này chỉ có công suất 7,5 MW, do Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc (tỉnh Đắk Lắk) làm chủ đầu tư. |