BVR&MT – Với mong muốn đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cũng như thể chế hóa thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017. Sáng nay, ngày 07/12/2017 Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) đã đồng tổ chức hội thảo “Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường”.
Tại Hội thảo “Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường” sáng nay, các đại biểu đã thảo luận, trình bày về hiện trạng, thách thức và những vấn đề chính sách đối với rừng phòng hộ tại Việt Nam.
Đại diện Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) Việt Nam, Ông Dominic Stanculescu chia sẻ: Một trong những thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là làm thế nào để có thể bảo tồn và tái phục hồi tài nguyên rừng phòng hộ có hiệu quả. Nếu đánh giá được tầm quan trọng của rừng phòng hộ sẽ giúp nâng cao sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước qua đó góp phần bảo vệ bền vững rừng phòng hộ.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua hệ thống rừng phòng hộ đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo cho tính toàn vẹn về diện tích và chức năng sinh thái, xã hội. Theo đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng phòng hộ liên tục suy giảm qua các năm. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, nhiều dự án phát triển chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, suy giảm chất lượng rừng gây nguy cơ sạt lở rừng ngày một tăng cao.
Trao đổi về những thách thức quản lý rừng phòng hộ Việt Nam, bà Nguyễn Hải Vân, Phòng nghiên cứu Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho thấy diện tích rừng phòng hộ Việt Nam đang ngày càng suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Đặc biệt là ở các vùng như Lai Châu, Yên Bái, Lâm Đồng… Diện tích rừng phòng hộ đang dần bị mất đi, thảm thực vật bị chia cắt, phân mảnh dẫn tới chất lượng rừng suy giảm, tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép đang tiếp diễn trong các năm qua và ngày càng có xu hướng phức tạp, đặc biệt là các khu tiếp giáp hồ chứa, đường giao thông, sản xuất nông nghiệp.
Kết quả đánh giá trong nhiều năm cho thấy, mặc dù tổng diện tích rừng của Việt Nam tăng từ 12,3 triệu ha năm 2004 tới năm 2016 tăng lên trên 14 triệu ha, nhưng rừng phòng hộ lại là đối tượng có nhiều biến động lớn về diện tích trong ba loại rừng, với diện tích giảm trung bình khoảng 2%/năm. Có thể thấy, tình trạng rừng phòng hộ đầu nguồn đang bị xâm phá, suy giảm, nguyên nhân là do tình trạng chặt phá rừng và chuyển mục đích sử dụng. Thực tế đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc củng cố, mở rộng, làm giàu hệ thống rừng phòng hộ hiện có, đồng thời cần cân nhắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng tự nhiên sang các mục đích sử dụng nông nghiệp, sản xuất khác.
Rừng phòng hộ đặc trưng bởi tính đa mục đích, đảm nhận các chức năng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai và điều hòa khí hậu; đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển Kinh tế – xã hội địa phương và đời sống cộng đồng gần rừng. Do đó việc bảo vệ rừng phòng hộ trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng cường an ninh sinh thái.
Thạch Thảo – Ngọc Thăng