BVR&MT – Là đô thị lớn nhất Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng với nhịp sống sôi động, dòng xe máy đông đặc và xây dựng không ngừng. Với dân số 9 triệu người và nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh dựa vào sản xuất, bất động sản và du lịch, thường thì có rất ít không gian cho thiên nhiên.
Sẽ là điều ngạc nhiên, ngay cả với nhiều người sống ở thành phố Hồ Chí Minh rằng một trong những khu rừng ngập mặn được phục hồi tuyệt vời trên thế giới nằm ngay trong thành phố.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích 75.740 ha và bao trọn huyện Cần Giờ – đơn vị hành chính lớn nhất và ít dân cư nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Từ trên cao, Cần Giờ là một dải đất xanh biếc đáng ngạc nhiên, đặc biệt là so với các xúc tu màu xám của bê tông đang thò ra khỏi thành phố mỗi ngày.
Được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển từ năm 2000, Cần Giờ bao gồm 4721 ha vùng lõi nghiêm cấm hoạt động của con người, 41.139 ha vùng đệm cho phép phát triển văn hóa và sinh thái, và 29.880 ha vùng chuyển tiếp có các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội bình thường. Cần Giờ hiện chỉ được kết nối với phần còn lại của Thành phố bằng phà, dù một cây cầu lớn đã được phê duyệt.
Ở bờ biển, du lịch ngày càng phát triển, tương ứng với tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày càng giàu có. Việc xây dựng như vậy sẽ gây rủi ro cho sức khỏe của rừng ngập mặn Cần Giờ trong tương lai, nhưng điều kỳ diệu là khu rừng này đã và đang tồn tại.
Hồi sinh
Trước chiến tranh, vùng Cần Giờ là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên lành mạnh. Theo một báo cáo công bố năm 2014 của Hiệp hội quốc tế về hệ sinh thái rừng ngập mặn (ISME), từ năm 1969 đến 1969, Không quân Hoa Kỳ đã phun một lượng lớn hóa chất làm rụng lá xuống khu vực này để lùng sục quân địch. Kết quả là khoảng 57% diện tích rừng ngập mặn bị phá hủy hoàn toàn.
Sau chiến tranh, một phần của rừng ngập mặn còn sót lại đã bị người dân địa phương chặt làm củi và vật liệu xây dựng. Cuối những năm 1970, 10.000 ha rừng là đất cằn cỗi, trong khi chỉ 5.600 ha rừng có thể coi là hữu dụng.
Tháng 8/1978, khu vực này thuộc về Thành phố Hồ Chí Minh và được đổi tên thành Cần Giờ. Sở Lâm nghiệp thành phố sau đó đã thực hiện một chương trình trồng rừng tái sinh lớn: trồng 20.000 ha cây đước đôi (rhizophora apiculata) từ cây giống ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cho đến năm 1991, rừng ngập mặn được trồng lại có vai trò là rừng kinh tế sản xuất gỗ nhưng Việt Nam vươn lên thành cường quốc xuất khẩu tôm khiến người dân phá rừng ngập mặn lấy chỗ cho các vuông tôm. Năm 1991, Cần Giờ trở thành rừng bảo vệ bờ biển và các quy định nghiêm ngặt đã được đưa ra, cuối cùng khu vực này “trở thành một trong những khu rừng ngập mặn được cải tạo rộng và đẹp nhất trên thế giới”, theo báo cáo của ISME.
Đó là khu dữ trữ sinh quyển rừng ngập mặn đầu tiên của Việt Nam với ba mục tiêu quản lý chính là “bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển kinh tế văn hóa và xã hội thân thiện với môi trường; đào tạo, nghiên cứu và giáo dục liên quan đến rừng ngập mặn”.
Các chuyên gia về rừng ngập mặn toàn cầu nghiên cứu về Cần Giờ đều rất ấn tượng với việc khu dự trữ được bảo vệ tốt đến thế nào.
Giáo sư khoa học trái đất Cyril Marchand thuộc Đại học New Caledonia nghiên cứu rừng ngập mặn ở Guiana thuộc Pháp, New Caledonia và Thành phố Hồ Chí Minh – nơi ông sống từ 2013 đến 2017. Trọng tâm nghiên cứu của giáo sư Marchand là vai trò của rừng ngập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự hiện diện của kim loại trong rừng ngập mặn.
“Rừng ngập mặn Cần Giờ được quản lý tốt. Có ban quản lý, và nếu ai đó chặt cây, họ lấy luôn cây đó trồng lại – giống như bất kỳ khu rừng sử dụng nào ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu”, Marchand nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây qua Skype. (Rừng sử dụng là rừng được phép khai thác gỗ hoặc phục vụ các lợi ích kinh tế khác theo cách thức được quản lý).
“Sự phục hồi ở Cần Giờ thật sự thành công dù cây bị chặt phá nhưng thủy văn không thay đổi, vì vậy họ chỉ phải trồng lại mà không phải khôi phục thủy văn – vấn đề lớn với các khu vực rừng ngập mặn khác. Họ cũng đang bảo vệ tốt khu rừng này”, Marie Arnaud, đang nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Leeds và đã thực địa 6 tháng ở Cần Giờ cho biết.
Một trong những biện pháp bảo vệ này là trả thù lao cho những người sống ở đó để quản lý rừng – một hệ thống gọi là chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES).
“[Ban quản lý] thuê người để kiểm tra những người khác có phá rừng ngập mặn hay không, trả cho họ một ít tiền [725.000 đồng, tương đương 31 đô la mỗi tháng] và đào tạo họ. Họ đã tích hợp khá tốt vào việc quản lý rừng, đó là một thế mạnh thực sự. Người dân ở Cần Giờ rất tự hào về khu rừng ngập mặn này và tôi nghĩ rằng điều đó thật sự quan trọng, người dân thấy rằng rừng ngập mặn thực sự có giá trị và nếu chúng ta phá hủy rừng thì cũng chính là phá hủy những lợi ích chúng ta nhận được từ rừng” Arnaud nói.
TS. Nguyễn Thành Nho, Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Nguyễn Tất Thành và là chuyên gia về Cần Giờ cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á đưa ra chính sách PFES trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, PFES vẫn chưa được tận dụng đúng mức ở Cần Giờ do hiểu biết hạn chế về vai trò của rừng ngập mặn trong các dịch vụ môi trường.
Điều này được nhấn mạnh trong một báo cáo năm 2012 khi tiến hành khảo sát 289 hộ gia đình ở Cần Giờ. Các nhà nghiên cứu phát hiện hơn 80% số người được hỏi cho rằng vai trò của rừng ngập mặn là bảo vệ khu vực khỏi bão nhưng chỉ có 20% biết rằng rừng ngập mặn lọc nước chảy qua. Không đến 50% số người được khảo sát nhận thức được các sinh cảnh đa dạng sinh học quan trọng mà rừng ngập mặn bao chứa hoặc tác động đến khí hậu cục bộ.
TS. Nho tin rằng điều này cần phải thay đổi.
“Tôi đề nghị tiến hành nghiên cứu toàn diện để khám phá các dịch vụ này. Bằng dữ liệu khoa học, chúng tôi sẽ tìm hiểu mức độ sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ môi trường tiềm năng và có thêm nhiều người cung cấp các dịch vụ như vậy”.
Vai trò hiện tại
Ngày nay, Cần Giờ là chìa khóa để bảo vệ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn (gồm cả các tỉnh lân cận đã công nghiệp hóa cao độ là Bình Dương và Đồng Nai) với dân số hơn 15 triệu người và có một số cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Việt Nam.
TS. Lê Đức Tuấn, Thư ký thường trực Khu dự trữ chia sẻ: “Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đóng một vai trò rất quan trọng, giống như “lá phổi” của thành phố, hấp thụ CO2 và cung cấp oxy; nó hoạt động như “quả thận” khi lọc ô nhiễm nước thải từ thành phố chảy xuống; nó cũng là “bức tường xanh” bảo vệ khu vực khỏi bão lốc và sóng thần từ biển Đông”.
Biển Đông rất hiếm khi có sóng thần nhưng mùa bão lại rất mạnh, với hàng chục cơn bão đổ bộ vào Việt Nam mỗi năm.
Rừng ngập mặn có khả năng lưu trữ carbon có nghĩa là cũng đóng vai trò chính trong việc giảm rủi ro từ tác động khí hậu trong tương lai, mặc dù không phải tất cả cây và rừng ở thành thị đều được đối xử công bằng.
Benno Boer, giám đốc khoa học tự nhiên tại văn phòng UNESCO Bangkok cho biết “rừng ngập mặn rất cần thiết cho giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đặc biệt, rừng ngập mặn tự nhiên cần được bảo tồn và những nơi từng là rừng ngập mặn cũng nên được phục hồi”.
Miền Nam Việt Nam là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do nước biển dâng và nhiều vùng ở Thành phố Hồ Chí Minh trũng thấp dễ bị ngập lụt trong những trận mưa lớn hoặc thời kỳ triều cường. Để ngăn chặn vấn đề này tệ hơn, việc duy trì sức khỏe của Cần Giờ là cần thiết.
“Hạn chế xói lở bờ biển là vai trò chính của rừng ngập mặn liên quan đến biến đổi khí hậu. Cần Giờ có thể bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh trước nước biển dâng, tốc độ bồi lắng trong rừng ngập mặn cao nên có khả năng rừng ngập mặn sẽ theo kịp mực nước biển dâng”, Marchand tán thành.
Điều này sẽ bảo vệ hàng triệu người và bất động sản trị giá hàng tỷ đô la tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Những mối đe dọa trong tương lai
Theo Boston Consulting Group, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hai thập kỷ qua đã tạo ra một tầng lớp trung lưu đáng kể, đạt khoảng 33 triệu người trong năm nay. Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy năm 2018, người Việt Nam đã thực hiện 80 triệu chuyến đi nội địa, còn năm 2019 có 18 triệu lượt khách quốc tế – một kỷ lục mới.
Du lịch hiện ngưng trệ do đại dịch virus corona nhưng chi tiêu và du lịch tăng trưởng đã làm thay đổi phần lớn bờ biển Việt Nam do xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các cơ sở du lịch, đôi khi làm hỏng những khu vực tự nhiên vốn đứng đầu bảng trong thu hút người dân.
Trong khi vùng lõi Cần Giờ được bảo vệ rất tốt, có những mỗi lo ngại với các khu vực ở rìa. Thiết kế cho cây cầu nối huyện với các địa phương lân cận đã được phê duyệt vào năm ngoái, mặc dù hiện tại vẫn chưa có mốc thời gian xây dựng nào. Nếu được xây dựng, cây cầu này sẽ tăng lưu lượng phương tiện, phần lớn đi theo con đường chính chạy từ bến phà đến bờ biển.
Các kế hoạch lớn hơn nhiều cũng đã được đề xuất, bao gồm một kế hoạch chi tiết và quy mô từ công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Limited của Nhật Bản. Đề xuất này bao gồm một trung tâm kho vận, các cơ sở lưu trú trong rừng ngập mặn và 2.870 ha cho phát triển du lịch một phần trên vùng đất lấn dọc theo bờ biển. Các nhà quy hoạch cũng hình dung trước dân số Cần Giờ khoảng 600.000 người trong khi dân số hiện tại chỉ chừng 71.000 người.
Dự án chưa được phê duyệt nhưng đây là một ví dụ về quy mô phát triển có thể diễn ra trong khu vực.
Các mối đe dọa ngay trước mắt là nuôi tôm, ô nhiễm thượng nguồn và xói lở do các tàu chở hàng khổng lồ đi qua sông Soài Rap và Long Tàu bên cạnh và qua Cần Giờ trên đường đến và đi từ các cảng sầm uất của Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo sư Marchand đã nhìn thấy tác động từ nuôi tôm ở khu vực bên ngoài khu dự trữ: cây cối bị chặt hạ và nền đất bị hút cạn để tạo thành các đầm tôm. “Điều tôi quan sát được là phần lõi của rừng ngập mặn được bảo vệ thực sự. Tuy nhiên ở rìa, mỗi lần tôi đến đều có những dự án mới và một số diện tích rừng ngập mặn bị phá hủy”.
Hoạt động này được thể hiện rõ trên Google Maps, nơi các vuông tôm bị bỏ ra khỏi phần diện tích của rừng ngập mặn.
“Rừng ngập mặn nằm ở rìa của khu vực công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Mạng lưới sông ngòi đóng vai trò là cửa ngõ độc đáo từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Biển Đông, do đó hầu hết các hoạt động phát triển, bao gồm các ngành dược phẩm, bao bì, dệt may và điện tử, cũng như du lịch và giao thông, cùng với dân số gia tăng nhanh chóng đang gây áp lực lớn”, theo TS Nguyễn Thành Nho.
Áp lực còn đến từ hiện tượng phú dưỡng khi dư thừa khoáng chất và chất dinh dưỡng làm cạn kiệt oxy từ nước cũng như xói lở đất và nạn đổ thải hóa chất xuống nước và trầm tích của rừng ngập mặn.
Theo nghiên cứu năm 2012, nghèo đói ở Cần Giờ có liên quan đến các khu vực khác của Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một hiểm họa. “Mặc dù các chương trình trồng rừng tương đối thành công, vấn đề vẫn là người nghèo có xu hướng tạo thu nhập bằng cách tận dụng các giá trị trực tiếp từ rừng ngập mặn (chủ yếu là chặt gỗ) thay vì thu nhập được tạo ra lâu dài thông qua bảo vệ rừng ngập mặn. Vì vậy, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương là điều kiện tiên quyết để giảm áp lực lên rừng ngập mặn”, báo cáo nêu rõ.
Cây cầu và những dự án phát triển tiềm năng được thảo luận ở trên sẽ cải thiện sinh kế của nhiều người nhưng như Marchand nói “khi có rất nhiều tiền người ta không quan tâm đến môi trường”.
Hình mẫu
Ít nhất cho đến nay, rừng ngập mặn Cần Giờ vẫn là độc nhất vô nhị khi có sức khỏe tốt mặc dù ở gần với siêu đô thị đang phát triển nhanh.
“Cần Giờ là một trong những rừng ngập mặn được trồng lại lớn nhất trên thế giới. Bạn có một khu rừng rất trưởng thành và điều thú vị là nó rất lớn và được trồng vào những thời điểm khác nhau – bạn có một khu rừng được trồng vào năm 1975, những cây khác được trồng vào những năm 1980 và nhiều cây hơn thế nữa được trồng những năm 1990, vì vậy bạn có thể sử dụng Cần Giờ để lập bản đồ tiến trình phát triển của một khu rừng. Nếu có một phần rừng được trồng 5 năm trước một phần khác, bạn có thể thấy nó tiến hóa theo tuổi như thế nào và điều đó thật sự độc đáo”, theo Arnaud.
Marchand hy vọng khu vực này có thể được mô hình hóa ở nơi khác. “Gần 60% rừng ngập mặn đã bị phá hủy… và vì tốc độ bồi lắng cao do thủy triều từ biển và khí hậu, rừng ngập mặn đã phát triển rất nhanh và bây giờ nó rất đẹp. Bạn có một số cây cao tới 20 m, có tái sinh tự nhiên với các loài không trồng mới, có chức năng hệ sinh thái tốt, và về mặt lưu trữ carbon, những khu rừng ngập mặn này lưu trữ rất nhiều CO2. Đó là thành công lớn”.
Thế Anh (Theo Mongabay)