BVR&MT – Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Hồng đưa giống lúa ST25 vào trồng thử nghiệm. Kết quả cho thấy có nhiều khả quan, tuy nhiên việc đưa giống lúa này vào trồng khi chưa được khảo nghiệm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có khoảng 10 nghìn ha lúa ST25 được gieo trồng. ST25 là giống lúa thơm có chất lượng cao, thích hợp cho vùng ÐBSCL, nhất là các vùng lúa tôm, vùng đất hơi lợ. Qua đánh giá, lúa này nếu trồng ở ÐBSCL có năng suất từ 4 đến 5 tấn/ha, cá biệt một số nơi đạt năng suất 6 tấn/ha. Hiện nay, gạo ST25 được thị trường ưa chuộng và bán được giá khá cao so với các loại gạo khác, do vậy việc gieo trồng giống này ở vùng ÐBSCL được đánh giá là hiệu quả.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều địa phương, một số đơn vị, doanh nghiệp đã đưa giống lúa này trồng thử nghiệm. Trong đó, vụ đông xuân 2020 – 2021, Hội Nông dân huyện Ðan Phượng (Hà Nội) phối hợp một số doanh nghiệp trồng khảo nghiệm giống lúa ST25 tại xã Thọ An với diện tích 1.800 m2. Kết quả bước đầu cho thấy, lúa có tỷ lệ nảy mầm cao, chịu rét và sinh trưởng, phát triển tốt. Tương tự như tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), sau ba vụ trồng thử nghiệm đến nay trên địa bàn đã có hơn 50 ha trồng lúa ST25.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, ST25 là giống phù hợp điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Tỉnh Thái Bình cũng trồng khảo nghiệm lúa ST25 được hai vụ. Sau hai vụ khảo nghiệm năng suất lúa đạt từ 50 đến 60 tạ/ha. Lúa ST25 được trồng ở đây có hạt thon dài, mầu vàng sáng, gạo trắng trong, cơm mềm dẻo, thơm ngon. Cũng tại huyện Ðầm Hà (Quảng Ninh) vụ đông xuân 2020 – 2021, triển khai trồng khảo nghiệm 1 ha lúa ST25 ở xã Tân Bình. Qua đánh giá, lúa cho năng suất, chất lượng cao ổn định, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương…
Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, “thời gian qua (nhất là sau khi giống lúa ST25 đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2019) đã có hiện tượng ở miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Hồng đưa giống lúa này vào sản xuất thử nghiệm trong phạm vi của đơn vị, doanh nghiệp. Tình trạng này là chưa phù hợp quy định của Luật Trồng trọt, vì giống ST25 chưa được tiến hành khảo nghiệm và cấp quyết định lưu hành tại các vùng khác ngoài khu vực ÐBSCL. Do vậy, việc một số cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tự đưa giống lúa ST25 ra trồng thử tại một số vùng khác (ngoài vùng ÐBSCL) ở ruộng của gia đình, doanh nghiệp thì nguy cơ có thể xảy ra rủi ro. Mặt khác, nếu kinh doanh buôn bán giống khi chưa được thực hiện khảo nghiệm và cấp quyết định lưu hành là trái với Luật Trồng trọt”.
Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, nếu đơn vị, doanh nghiệp có chiến lược muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phân phối giống ST25 ra ngoài vùng ÐBSCL thì phải được sự đồng ý của tác giả giống và cần tiến hành quá trình đánh giá, khảo nghiệm tại các vùng khác, ngoài vùng ÐBSCL.
Trên cơ sở những kết quả khảo nghiệm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về giá trị canh tác, giá trị sử dụng, Cục Trồng trọt cấp quyết định công nhận lưu hành tại các vùng đó. Như vậy, nếu giống ST25 muốn được cấp quyết định lưu hành, trồng, sản xuất, kinh doanh ở các vùng khác ngoài vùng ÐBSCL thì phải tiến hành khảo nghiệm, đến khi có kết quả khảo nghiệm thì sẽ được cấp quyết định lưu hành.
Cục Trồng trọt cũng lưu ý, một số giống lúa sẽ phù hợp và phát huy hiệu quả cao nhất ở điều kiện sinh thái nhất định. Có những giống tính thích ứng rộng, có giống thích ứng hẹp, nhưng để phát huy cao nhất hiệu quả, năng suất, chất lượng, sự phù hợp tối ưu chỉ ở những vùng nhất định nào đó. Một giống lúa, dù có thích ứng rộng nhưng không thể chỗ nào cũng phát huy hết đặc tính tốt nhất. Và hầu như thực tế không một giống nào có thể tập trung được tất cả đặc tính tốt nhất như năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, chất lượng gạo ngon, khả năng thích ứng rộng, chống chịu tốt với sâu bệnh, chống đổ ngã…