Rủi ro khi du nhập thực vật ngoại lai

BVR&MT – Các quốc gia vẫn thường tự hào về thành tích phủ xanh đất trống đồi núi trọc với những con số ấn tượng hàng triệu ha rừng, hàng tỷ cây xanh được trồng. Tuy nhiên, liệu diện tích rừng tăng có tương ứng với đa dạng sinh học được hồi phục? Quan điểm của chuyên gia Anthony Abrias thuộc Hiệp hội Bảo tồn thực vật bản địa Philippines đăng trên Tạp chí BluPrint sẽ cung cấp một góc nhìn về vấn đề này từ câu chuyện về sự xâm lấn của thực vật ngoại lai cũng như tính cấp bách của việc cần nhân rộng các loài bản địa ở Philippines.

Nếu phải nêu tên một số loài cây phổ biến nhất ở các thành phố thì hầu hết mọi người sẽ nhớ ngay đến những loài như Keo, Phượng, Trinh nữ và Muồng hoàng yến. Những người dưới 30 tuổi nếu có nhớ tên loại cây nào đó thì sẽ là hoa Chuông đỏ, Chuối rẻ quạt và Sầu đâu.

Rừng nhân tạo Bilar ở đảo Bohol là nơi du nhập sớm nhất loài Dái ngựa Nam Mỹ vào Philippines trên quy mô lớn (Ảnh: Ed Simon)

Những cây Keo lớn làm dịu con mắt khi lái xe trên những con đường đông đặc như Mckinley Road ở Makati. Dọc theo đại lộ Carcar ở Cebu, xen kẽ với nhưng cây Keo hàng trăm tuổi là những cây Trinh nữ già không kém hoặc những cây Me tây nở hoa đỏ rực, báo hiệu mùa hè đã tới và những người dân ở đây nên về nhà hoặc đi nghỉ. Sẽ không thể nhận ra Rockwell nếu tất cả những cây Cọ khổng lồ trồng dọc theo đảo đột nhiên biến mất. Và công chúng sẽ phản đối kịch liệt của nếu những cây Keo, hàng Phượng trong khuôn viên trường đại học UP Diliman bị chặt bỏ.

Nhưng cần lưu ý rằng những cây này không nên được trồng ngay từ đầu, vì không loài nào có nguồn gốc Philippines. Tương tự là 80 đến 90% số cây được trồng theo chương trình trồng rừng phủ xanh quốc gia hướng tới đạt mục tiêu trồng 1,5 tỷ cây – tương đương 1,5 triệu ha – khi nhiệm kỳ của tổng thống Aquino kết thúc vào năm 2016.

Sau khi vượt qua sự ngạc nhiên ban đầu rằng nhiều cây mà chúng ta quen thuộc không có nguồn gốc bản địa, người ta có khuynh hướng coi những người ủng hộ loài bản địa là cứng đầu và cực đoan. Sẽ có những bên đưa ra luận điểm tranh luận, như Bộ Môi trường và Tài nguyên (DENR), rằng các loài ngoại lai đang được trồng, chẳng hạn cà phê, cacao, cao su và mít, sẽ tạo ra an ninh kinh tế cho nông dân.

Họ có thể chỉ ra rằng những loài ngoại lai phát triển nhanh sẽ giúp chúng ta lấy lại được độ che phủ rừng rất thiết yếu nhanh hơn, ổn định lưu vực và giảm lũ lụt ở hạ lưu. Họ cũng có thể nói rằng chúng ta cần gỗ làm nhiên liệu, làm đồ dùng và sản xuất giấy. Thế thì trồng cây ngoại lai có gì không ổn?

Câu trả lời là thực vật bản địa hỗ trợ động vật hoang dã bản xứ còn thực vật ngoại lai thì không. Thực vật ngoại lai, đặc biệt là các loài xâm lấn, làm cạn kiệt đa dạng sinh học vốn trên bờ vực suy kiệt và làm suy yếu mạng lưới thức ăn của chúng ta. Bách khoa toàn thư của trái đất coi Philippines là một trong số ít các quốc gia trên hành tinh còn “toàn vẹn, vừa là một điểm nóng và là một quốc gia siêu đa dạng sinh học.” Điều đó có nghĩa là các đảo của chúng ta là một trong những bộ sưu tập đa dạng nhất về sinh vật trên trái đất, và cũng có những loài có nguy cơ tuyệt chủng và bị đe doạ cao nhất.

Điều làm cho tình hình của chúng ta trở nên quan trọng là một tỷ lệ lớn các dạng thức sống của chúng ta – chẳng hạn như tối thiểu một phần ba các loài thực vật có mạch – là duy nhất hoặc đặc hữu cho Philippines. Nếu những loài đặc hữu này không còn tồn tại ở nước ta, trừ khi được nhân giống thành công ở nơi khác, còn không chúng sẽ tuyệt chủng.

Trường hợp của họ Sao dầu

Cuộc sống động vật và thực vật phong phú của đất nước chúng ta mất hàng triệu năm để tiến hóa, mỗi loài thích ứng và lệ thuộc vào nhau, đồng thời cũng khác nhau trong một mạng sinh tồn và cân bằng phức tạp.

Vùng đất thấp của Philippines dày đặc các khu rừng nhiệt đới do họ Sao dầu gồm hơn 40 loài thống trị. Sao dầu là xương sống của đa dạng sinh học ở Đông Nam Á. Theo Cơ quan chia sẻ thông tin đa dạng sinh học ASEAN, hàng trăm loài côn trùng, rêu, nấm, vv, có thể được tìm thấy trong chỉ một cây sao dầu.

Thật không may, Sao dầu bị khai thác nhiều nhất khi thương mại gỗ sôi động trong những năm 1980, chiếm hơn 90% tổng lượng gỗ xuất khẩu của Philippines. Tuy nhiên, mặc dù được khai thác nhiều nhất, chúng hiếm khi được sử dụng để cải tạo đất và tái trồng rừng. Thay vào đó, chính phủ đã ưu tiên các loài cây ngoại lai như Dái ngựa, Keo, Keo dậu, và gần đây là cây Lõi thọ.

Cho đến năm 2011, gỗ dái ngựa là cây được trồng nhiều nhất theo Chương trình phủ xanh quốc gia (NGP). Năm 2012, thể theo sự thúc giục của các nhà bảo tồn thực vật bản địa, dái ngựa rớt xuống vị trí thứ hai, nhường ngôi đầu cho cây giáng hương bản địa. Tuy nhiên, danh sách mười cây trồng được trồng nhiều nhất của DENR không bao gồm bất kỳ cây sao dầu nào.

Trường hợp của gỗ dái ngựa

Dái ngựa không phải loài bản địa của Philippines mà của rừng Trung và Nam Mỹ. Philippines chỉ cho rằng chúng là loài bản địa khi ngành công nghiệp gỗ đạt đỉnh (những năm 1960 – 1980), để đơn giản hóa mọi thứ (và để đáp ứng nhu cầu trên thế giới đối với gỗ dái ngựa Honduras) thì các lái gỗ quyết định gọi tất cả là “gỗ dái ngựa Philippines”, cho dù loài đó không có liên quan gì đến các loài dái ngựa.

Sử dụng cây dái ngựa để bổ sung cho rừng là tự sát sinh thái. Một trong những tiếng nói phản đối cây ngoại lai mạnh nhất là TS James LaFrankie, tác giả của cuốn Why Native Trees? (Tại sao nên trồng cây bản địa?), khẳng định: “Loài bản địa (có) mối quan hệ với đất, nước và các sinh vật hữu cơ khác đã phát triển qua hơn một triệu năm. Một số loại nấm sống cùng với rễ, một số loài côn trùng ăn các bộ phận của cây, trong khi những loài khác thụ phấn cho hoa. Chim và động vật có vú sống trên cành cây và ăn hạt giống. Không có mối quan hệ như vậy tồn tại cho những loài mới.

“Mười ha dái ngựa được trồng đã biến một vạt rừng thành vùng chết về đa dạng sinh học. Không có chim, không có côn trùng, chỉ có một nền đất gần như chết do các hóa chất gây chết người rò rỉ từ lá mục nát. Mười ha dái ngựa không có tương lai nào hết. Diện tích đó sẽ vẫn như cũ, cho đến khi chúng bị chặt đi và thay thế. ”

Khỉ tí hon và dái ngựa

Rừng nhân tạo Bilar, một trong những điểm hút khách du lịch của tỉnh Bohol, là một khu vực chết về đa dạng sinh học rộng 857 ha. Hàng ngàn cây dái ngựa được trồng trong những năm 1960-1970, một nỗ lực trồng rừng của chính phủ nhằm ổn định lưu vực của Bohol vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn khai thác gỗ, đốn củi và đốt nương làm rẫy.

Dự án thành công đã và vẫn được ca ngợi là một hình mẫu hợp tác công – tư và tinh thần tình nguyện. Kết quả là những rặng cây cao vút, mặc dù hoàn toàn không phù hợp với biểu tượng được yêu thích nhất của Bohol: loài khỉ tí hon (tarsier) đang bị đe dọa tuyệt chủng. Khỉ tí hon thích cây bụi hơn. Chúng bám vào những nhánh cây mảnh mai thuộc tầng sinh trưởng thứ hai cách mặt đất khoảng hai mét, ăn côn trùng, thằn lằn nhỏ và chim. Chúng không thể bám vào thân cây dái ngựa to lớn, và cây dái ngựa xua đuổi con mồi của loài khỉ này.

Giờ đây sẽ không công bằng để cho rằng rừng dái ngựa đã đẩy loài khỉ tí hon đi. Vùng đất đã bị cằn cỗi, không thể sinh sống được đối với những động vật có vú nhỏ bé. Nhưng sự tồn tại của rừng dái ngựa Bilar đã ngăn cản khả năng phục hồi môi trường sống tự nhiên của loài khỉ tí hon trong khu vực.

Để đảm bảo sự sống còn của khỉ tí hon, chính quyền Bohol cùng với tổ chức Philippine Tarsier Foundation đã dành ra 134 ha đất rừng thứ cấp như một khu bảo tồn khỉ tí hon, nơi chúng có thể lang thang không bị quấy rầy. Tuy nhiên ngần ấy là không đủ chỗ cho loài này phát triển mạnh. Khỉ tí hon là loài chiếm hữu lãnh địa, trung bình con cái cần 2,45 ha và con đực 6,45 ha. Chúng chắc chắn có thể sử dụng 857 ha mà giờ đây do cây dái ngựa bao phủ.

Cần khẳng định rằng các nhà bảo tồn thực vật bản địa không phải là những người cực đoan. Họ cũng nhận ra rằng thực vật ngoại lai có tác dụng về mặt kinh tế, chẳng hạn như dứa (xuất xứ từ Nam Mỹ). Nhưng Philippines không có chân trong ngành công nghiệp thực phẩm, nước này đang đi theo hướng du lịch và phát triển thì hãy phát triển có trách nhiệm. Philippines đã mất 80% diện tích rừng và động vật hoang dã phụ thuộc vào rừng, thì hãy trồng cây có nguồn gốc từ đất nước chúng ta.

Có một câu nói của người Trung Quốc rằng “Thời điểm tốt nhất để trồng một cây là 100 năm trước,” vậy chúng ta nên thêm vào: “Thời điểm trồng cây tốt nhất tiếp theo là trồng cây bản địa vào ngay hôm nay.”

Nhật Anh (Theo Bluprint.onemega.com)

CHIA SẺ