BVR&MT – Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nhanh chóng có những nghiên cứu thấu đáo, để từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách khi mà ChatGPT đã xuất hiện và được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lính vực, trong đó có giáo dục.
Thông tin được đưa ra trong buổi tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo – Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 13/2.
Toạ đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Những ứng dụng của công nghệ sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học. Đặc biệt, quan trọng đây là vai trò cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học và hướng tới người học nhiều hơn là người dạy”.
Theo Thứ trưởng, vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ. Người học sẽ phải thay đổi như thế nào. Chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại.
“Cách tốt nhất để hiểu về công nghệ chính là dùng công nghệ. Công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1 triệu rưỡi nhà giáo, rồi các nhà quản lý giáo dục, chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn. Và khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận. Chúng ta nói cách học tốt nhất là dùng và thảo luận, cũng như học hỏi như ChatGPT làm. Tôi mong rằng ở các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại và tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời. Trong các nhà trường, chúng tôi cũng nghĩ rằng, việc hình thành các trung tâm dạy học xuất sắc là rất cần thiết. Trung tâm thiết kế dạy và học, hỗ trợ dạy và học mà không chỉ có người thầy đơn độc soạn soạn bài giảng, giáo án, sách giáo khoa, giáo trình, lên lớp giảng dạy, kiểm tra đánh giá… Chúng ta có công nghệ. Vì thế, chúng ta hãy giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc này và đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như là bình đẳng trong giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ hướng tới tất cả những hoạt động này”.
Cuối cùng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, ứng dụng công nghệ làm sao để chúng ta hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào những công nghệ, công cụ và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Đó là những chính sách mà Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh.