BVR&MT – Việc bổ sung thêm tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất vào trong sổ đỏ sẽ đảm bảo lợi ích cho họ, giảm tranh chấp liên quan đến đất đai.
Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên & Môi trường, có hiệu lực áp dụng từ ngày 5/12/2017 sẽ bổ sung thêm trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau quanh quy định mới này.
Sẽ giảm bớt tranh chấp, phòng chống được tham nhũng
PV: Từ ngày 5/12/2017, trong sổ đỏ sẽ có tên thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Ông nhìn nhận về việc bổ sung này như thế nào?
Ông Trương Minh Hoàng: Việc bổ sung thêm tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất vào trong sổ đỏ là điều cần thiết, có tính chặt chẽ để phòng ngừa những tranh chấp liên quan đến đất đai.
Bởi vì hiện nay, tòa án đang giải quyết rất nhiều trường hợp liên quan đến tranh chấp về đất đai và tài sản gắn liền với đất đai. Ví dụ như như mảnh đất do hai vợ chồng đứng tên nhưng người cha mất, người mẹ đứng tên bán nhưng các con lại gửi đơn lên tòa án là không đồng ý bán và bản thân cũng có phần trong đó. Hay trường hợp khác như cha đứng tên bán nhưng mẹ không ký tên và các con cũng không đồng ý bán…
Ngoài ra, việc bổ sung thêm tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất vào trong sổ đỏ sẽ góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến thừa kế, đảm bảo lợi ích cho các thành viên trong gia đình trong trường hợp xấu xảy ra như ly hôn, một trong các thành viên cầm sổ đỏ đem cầm cố để lấy tiền…
Mặt khác, quy định mới còn góp phần kiểm kê, kê khai tài sản của những người cần phải kê khai tài sản nhằm phòng chống và kiểm soát tham nhũng.
Muốn bán tài sản trên đất phải được sự đồng ý của các thành viên
PV: Ông có thể nói rõ hơn về quyền lợi, lợi ích của các thành viên khi đều có tên trong sổ đỏ khi tài sản trên đất được bán đi như thế nào?
Ông Trương Minh Hoàng: Khi kê khai tài sản, người dân phải kê khai là có trước hôn nhân hay sau hôn nhân. Nếu tài sản có trước hôn nhân, do ông bà để lại thì khi phân chia cho các thành viên trong gia đình sẽ dựa trên Di chúc hoặc chia theo luật pháp quy định.
Nếu tài sản trên đất được bán đi khi các thành viên trong gia đình vẫn còn sống thì phải được bàn thảo kỹ lưỡng, thống nhất giữa các thành viên. Nếu một người không đồng ý bán thì cả gia đình cũng không được bán.
Do đó, một ai đó trong gia đình muốn tài sản trên đất thì phải được sự đồng ý của tất cả thành viên gia đình có tên trong sổ đỏ.
Phải giảm được chi phí, thời gian của người dân
PV: Ngoài những mặt tích cực, thiết thực đã được đề cập, ông có lo ngại gì khi bổ sung thêm tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất vào trong sổ đỏ thì còn có thể xảy ra những bất cập nào?
Ông Trương Minh Hoàng: Quy định bổ sung này có hiệu lực thì các cơ quan chức năng cũng phải nghĩ tới những bất cập có thể xảy ra, phát sinh thêm các thủ tục, thời gian của người dân, chi phí của nhân dân…
Ngoài ra, khi có quy định mới này có thể phát sinh trường hợp có người ở trong dòng họ xin được nhập vào hộ gia đình. Mặc dù điều này phải được sự chấp thuận, đồng ý của các thành viên trong gia đình nhưng những thủ tục liên quan đến nhập hộ cũng sẽ là những phát sinh mới.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần phải có giải pháp khắc phục bất cập, phát sinh có thể xảy ra như đề cập.