Quy hoạch lại để bảo tồn, phát triển di sản hồ Ba Bể

BVR&MT – Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) với điểm nhấn là thắng cảnh hồ Ba Bể được tỉnh xác định là trọng tâm phát triển kinh tế du lịch giai đoạn tới 2025. Tuy nhiên, khu vực này quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng lấn, bồi lắng nghiêm trọng dẫn tới muốn thu hút đầu tư cũng khó khăn.

Một góc di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể.

Quy hoạch lại khu Ba Bể với 2 mục tiêu song song là bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh này được Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn coi là nhiệm vụ quan trọng, đang gấp rút triển khai.

Vẫn còn nhiều bất cập

Khu vực ven hồ Ba Bể có hàng trăm hộ dân đã sinh sống từ lâu đời, từ trước khi hồ Ba Bể được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, hiện tại trong khu vực bảo vệ I và bảo vệ II của di tích có 4 thôn, gồm: Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám với gần 300 hộ dân sinh sống.

Trong khi đó, 2 khu vực này chưa có quy định cụ thể về quản lý xây dựng, đất đai, môi trường thì hàng chục năm qua phần lớn các hộ dân tại đây đã chuyển sang kinh doanh homestay du lịch cộng đồng. Điều này đã dẫn tới tình trạng xây dựng không phép tràn lan trong các thôn vì theo quy định, chính quyền địa phương khó được phép cấp phép xây dựng tại những khu vực này.

Bất cập rõ nhất hiện nay tại hồ Ba Bể là do tỷ lệ bản đồ lớn (1/25.000) nên khi lập hồ sơ di tích đã khoanh toàn bộ thôn Pác Ngòi, Bó Lù và một phần thôn Cốc Tộc, Bản Cám cùng nhiều diện tích đất sản xuất của người dân vào khu vực I bảo vệ di tích. Điều này đã dẫn tới nảy sinh những mâu thuẫn trong quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường, không tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận đầu tư vào các vị trí thuận lợi phát triển du lịch. Vì vậy, dù là 1 trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, là di tích quốc gia đặc biệt nhưng những năm qua, lượng khách du lịch đến đây hằng năm không bằng một huyện ở vùng xuôi, vùng du lịch khác.

Trong khi những năm gần đây, hồ Ba Bể bị bồi lắng nghiêm trọng bởi phù sa từ các con sông Lèng, sông Năng, sông Tà Han, suối Cốc Tộc. Tuy nhiên, phần lớn dòng chảy của các con sông, suối này nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nên việc triển khai các dự án nạo vét, kè chống xói lở gần như không được phép. Do đó, nguy cơ hồ Ba Bể sớm biết mất do bị bồi lắng ngày càng rõ nét. Khu vực trước thôn Pác Ngòi cách đây vài chục năm là lòng hồ thì giờ đã thành bãi bồi mênh mông.

Những vấn đề này không chỉ là rào cản cho phát triển du lịch mà còn là nguy cơ đe dọa tới di tích quốc gia đặc biệt này. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, 1 trong những nội dung chủ chốt được Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn xác định khi phát triển du lịch là phải quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể. Đề xuất này đã được Bắc Kạn gửi tới Trung ương và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch với quyết tâm giữ bền vững “viên ngọc xanh” Ba Bể và đưa du lịch trở thành động lực mũi nhọn cho tỉnh nghèo Bắc Kạn.

Khẩn trương quy hoạch bảo tồn để phát triển bền vững

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, với quyết tâm cao, khẩn trương triển khai lập 18 ý tưởng khu vực quy hoạch, đến nay, phương án quy hoạch đã được Ban chấp hành Đảng bộ đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng. Mục tiêu của phương án là bảo vệ các giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, địa chất… Từ đó, đưa thắng cảnh hồ Ba Bể trở thành điểm du lịch cấp quốc gia, xác định ranh giới bảo vệ để quản lý di tích, làm cơ sở cho các dự án thành phần về sau này.

Bắc Kạn dự kiến phạm vi, quy mô lập quy hoạch trên diện tích 10.800ha, bao gồm: toàn bộ diện tích bảo vệ khu vực I và II; bổ sung một số di tích hang động liên quan tại xã Quảng Khê, cảnh quan thiên nhiên, bản làng xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp đến di tích với diện tích khoảng 32ha.

Đối với khu vực bảo vệ I, Bắc Kạn đề xuất đưa các khu dân cư, đất sản xuất, khu vực xây dựng hạ tầng giao thông… ở các thôn: Bó Lù, Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bản Cám ra khỏi khu vực này. Đề xuất bổ sung vào khu vực bảo vệ I khu vực hẻm núi sông Năng, hạ lưu sông Năng và các thắng cảnh có giá trị nhưng chưa có ranh giới bảo vệ, như: động Nà Phòng, động Puông, động Hua Mạ. Đối với khu vực bảo vệ II, giữ nguyên di tích hiện trạng là vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể.

Phát triển đi đôi với bảo vệ bền vững, phương án nhất quán được Bắc Kạn xác định là kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng, mật độ xây dựng thấp, công trình thân thiện với môi trường. Những khu vực xây dựng điểm du lịch có giá trị phát huy lớn sẽ được bố trí ngoài các khu vực bảo vệ, xa hồ Ba Bể. Với Vườn quốc gia Ba Bể là điểm lõi được bảo vệ nghiêm ngặt, không gian du lịch sẽ được mở ra 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện cũng được bố trí trên cơ sở bảo đảm an toàn tối đa cho di tích, danh lam thắng cảnh.

Dự kiến, tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức hội thảo khoa học trong tháng 7 để xin ý kiến các chuyên gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân về đồ án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thẩm định trong tháng 8, trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 9.