BVR&MT – Ngày 9/8, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí để chính thức đưa ra các ý kiến theo chuyên môn và trách nhiệm của Hội về Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An và dự án xây dựng nhà hát tại khu vực Đầm Trị (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Từ trung tuần tháng 7 đến nay, Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An và chủ trương đầu tư xây dựng nhà hát tại khu vực này thu hút sự chú ý của dư luận, tạo những phản ứng đa chiều. Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sự việc này và tiến hành nghiên cứu các tài liệu, văn bản, cũng như tập hợp ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch.
Quy hoạch vùng Quảng An ổn định và nhất quán
TS, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đại diện đơn vị này khẳng định Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An có đầy đủ cơ sở pháp lý và phù hợp. Cụ thể, qua nghiên cứu hệ thống đồ án quy hoạch xây dựng thành phố, Hà Nội đã 7 lần được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định vào các năm: 1961 (do Liên Xô thực hiện), 1974, 1976 (quyết định 163/CP 17/7/1976), 1981(quyết định 100/TTg, 24/4/1981), 1992 (quyết định 132/CT, 18/4/1992), 1998 (quyết định 108/1998/QĐ-TTg, 20/6/1998), 2011 (quyết định 1259/QĐ-TTg, 26/7/2011).
Bắt đầu từ quy hoạch được phê duyệt năm 1992 đã xác định rõ Khu vực Hồ Tây là trung tâm của Hà Nội với tiêu chí tổng quát “Khu vực hồ Tây phải được quy hoạch xây dựng thành: Trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm văn hóa thể thao và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí Thủ đô”.
Năm 2008, khi Hà Tây sát nhập Hà Nội, thành phố thực hiện lập hồ sơ quy hoạch trìnhThủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1259/2011 quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, với diện tích tăng từ 921km2 lên 3.344km2. Nội dung về khu Hồ Tây và phụ cận vẫn giữ nguyên như các quy hoạch đã phê duyệt trước. Trong quy hoạch này, lần đầu tiên đưa vào trục Tây Hồ Tây – Ba Vì giao cắt với trục Hồ Tây – Cổ Loa tại khu vực Đầm Trị.
Tại quyết định này nhấn mạnh: “Xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát… gắn với cảnh quan thiên nhiên sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây, Cổ Loa, Hoàng Thành Thăng Long và trên các trục giao thông không gian chính, các trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội. Thiết lập hệ thống quảng trường văn hóa, các không gian giao lưu cộng đồng, các không gian đi bộ gắn kết với các công trình tượng đài, tượng đường phố, tranh tường nghệ thuật lớn…”.
Như vậy, theo hệ thống quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, rõ rệt nhất là thể hiện tại quyết định lần thứ 5-1992, lần thứ 6-1998 và lần thứ 7-2011 thì vùng Quảng An được quy hoạch ổn định nhất quán. Việc phê duyệt này đủ điều kiện pháp lý căn bản để Hà Nội triển khai quy hoạch chi tiết khu vực.
Tuy nhiên, phía Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng cụm công trình tổ hợp cao tầng tại ô 19 tuy không sai về mặt pháp lý, nhưng chưa thực hiện đúng tinh thần các quyết định về quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cơ hội cho công trình biểu tượng văn hóa-du lịch
Về Dự án xây dựng nhà hát Opera tại Đầm Trị, trước nhiều câu hỏi về tính cần thiết, căn cứ để lựa chọn phương án thiết kế… ông Phan Đăng Sơn cho biết, quan điểm là Nhà hát Opera Hà Nội nếu được xây dựng sẽ có chỗ đứng trong hệ thống nhà hát trong khu vực và trên thế giới. Vùng Hồ Tây vẫn chưa có được công trình kiến trúc nổi bật, đặc sắc… tạo điểm nhấn về văn hóa và thu hút du lịch xứng tầm kỳ vọng. Đây là một cơ hội để tạo ra điểm đến mang tính biểu tượng, phục vụ công chúng yêu nghệ thuật, thu hút khách tham quan gồm các tầng lớp nhân dân và du khách quốc tế.
Trước đây, từ những năm 2010, thành phố Hà Nội đã có chủ trương kế hoạch xây dựng một nhà hát hiện đại, quy mô lớn, đa chức năng tại khu vực Tây Hồ Tây. Năm 2017, thành phố lại dự kiến xây dựng nhà hát tại quận Nam Từ Liêm, nhưng cả hai lần đều không khả thi vì nhiều lý do khác nhau. Về góc độ chuyên môn kiến trúc, với yêu cầu nhà hát mới đóng vai trò kết nối trong vùng trung tâm Hồ Tây, cần mang tính biểu tượng, gắn kết với không gian văn hóa Hồ Tây, đáp ứng vùng bán kính phục vụ cho nhân dân quận Tây Hồ và phụ cận, kể cả vùng bắc sông Hồng, góp phần liên kết, kiến tạo trục văn hóa Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa… thì việc xác định vị trí nhà hát ở khu công viên kết trục tạo sự lan tỏa hài hòa với không gian mặt nước có thể coi là chấp nhận được, khi công trình nhà hát đã có ở quy hoạch vùng được phê duyệt trong tổng thể quy hoạch thành phố theo quyết định 1259/11.
Về quy trình lựa chọn phương án kiến trúc nhà hát, hình thức tuyển chọn thời điểm 2017-2019 là phù hợp quy định pháp luật (Luật Xây dựng 2013), tiến hành đầy đủ các bước. Về hình thái kiến trúc. Theo ông Phan Đăng Sơn: Ý tưởng ngọc trai Hồ Tây vươn lên từ mặt nước là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, giàu tính lịch sử, văn hóa, đột phá về không gian, phù hợp với nền cảnh thanh tịnh của Hồ Tây… và cũng đã có những đề nghị xem xét chỉnh sửa một số chi tiết. Kết luận sau đó của Thường trực Thành ủy là: “Cơ bản thống nhất với ý tưởng và phương án kiến trúc Nhà hát đa năng tại trục không gian bán đảo Quảng An, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội của đơn vị tư vấn thiết kế Renzo Piano Buiding Workshop trình bày”.
Như vậy, việc lựa chọn phương án kiến trúc đã tuân thủ quy định pháp luật, cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch đô thị. Ông Phan Đăng Sơn cũng chia sẻ thêm thông tin về tác giả phương án thiết kế nhà hát – Kiến trúc sư Renzo Piano (người Italia), một trong những kiến trúc sư đương đại có tài năng và uy tín trong giới kiến trúc thế giới hiện nay. Kiến trúc sư Renzo Piano đã thiết kế nhiều công trình độc đáo tại nhiều quốc gia và được đánh giá là vừa hiện đại, phù hợp chức năng, vừa có bản sắc.
Các kiến nghị của giới kiến trúc sư
Tại cuộc gặp gỡ báo chí, đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã khẳng định Hồ Tây có vai trò vô cùng quan trọng đối với TP Hà Nội, khu vực này gắn nhiều truyền thuyết dân gian của Thủ đô và các di tích lịch sử đã và đang chờ xếp hạng (với tổng số khoảng 60). Do đó, yếu tố văn hoá bản địa, yếu tố “xanh” (bao gồm cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường…) phải được xem xét kỹ lưỡng, hài hoà các yếu tố văn hóa tâm linh khu vực với yêu cầu không gian cảnh quan yên tĩnh và vành đai chia sẻ.
Về quy hoạch chi tiết và không gian khu vực, hình thành trục Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa là một ý tưởng hay, đột phá về quy hoạch. Trục này mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, nhưng nếu kết hợp phần thực (như phương án Quy hoạch đã triển khai) và phần ảo cũng là phù hợp để xác lập cảm nhận, phát triển, kết nối không gian đô thị. Kết thúc trục, ở phần giáp mặt Hồ Tây tổ chức công viên, công trình văn hóa, tâm linh, dịch vụ công cộng… kết hợp với diện tích cây xanh và mặt nước chiếm tỷ lệ lớn là một giải pháp có tính tương tác ưu việt.
Trước những ý kiến cho rằng vấn đề phân bổ, kết nối giao thông mới thực sự đáng lo, ông Phan Đăng Sơn thay mặt Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ra một số nội dung cần xem xét, điều chỉnh về mặt chuyên môn, như: Quy hoạch tuyến hướng giao thông khu A6 cần giải bài toán kỹ lưỡng về cả liên kết đối ngoại và nội bộ hài hòa, bảo đảm công suất; Cần rà soát lại lối tiếp cận nhà hát phù hợp cho nhiều loại phương tiện giao thông, nhất là khoảng cách đi bộ; Mật độ công trình dịch vụ trong khu công viên cuối trục còn quá dày (dù thấp tầng) và đơn điệu, cần nghiên cứu phù hợp…
Do đây là một dự án cực kỳ quan trọng, có quy mô đồ sộ, lại đặt tại một vùng văn hóa đặc biệt, nên ông Phan Đăng Sơn cũng nêu đề xuất thành phố Hà Nội có thể tổ chức thêm hội thảo để lắng nghe, tham vấn ý kiến chuyên gia và cộng đồng đầy đủ, thỏa đáng, đồng thời có thể xem xét mở rộng lấy ý kiến rộng rãi nhân dân Thủ đô về mô hình nhà hát.