BVR&MT – Quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng phải có phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào khai thác
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng phải có phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia.
Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.
Để làm rõ trách nhiệm và tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị làm rõ giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Đại biểu đoàn Bình Định nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ, xây dựng tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rõ hơn trong quy định của Điều 26 dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước… Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định chặt và cũng rất rộng.
Đại biểu cho biết, hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua cho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan.
Đồng thời, cần giao cho Chính phủ các quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.