Quy định kỹ thuật quan trắc khí tượng bề mặt và khí tượng trên cao

BVR&MT – Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quan trắc khí tượng. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quan trắc khí tượng bề mặt và khí tượng trên cao.

Nội dung trọng tâm Thông tư quy định kỹ thuật đối với quan trắc khí tượng bề mặt, quan trắc khí tượng trên cao và quy định về quản lý, trách nhiệm tổ chức thực hiện. Đồng thời cụ thể hóa hướng dẫn thông qua các phụ lục về quan trắc áp suất khí quyển; quan trắc gió bề mặt; quan trắc lượng bốc hơi; quan trắc nhiệt độ, độ ẩm không khí; quan trắc nhiệt độ mặt đất, nhiệt độ các lớp đất sâu và trạng thái mặt đất; quan trắc lượng mưa; quan trắc thời gian nắng; quan trắc tầm nhìn ngang; quan trắc mây; quan trắc hiện tượng khí tượng; trạm đo khí tượng tự động; các mẫu báo cáo khí tượng; quy trình bơm bóng thám không.

Quy định kỹ thuật quan trắc khí tượng bề mặt và khí tượng trên cao

Cụ thể, Thông tư quy định về phương tiện đo trong quan trắc: Phương tiện đo, thiết bị đo dùng trong quan trắc khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao thuộc danh mục phải kiểm định, hiệu chuẩn, được thực hiện đúng quy định của pháp luật về đo lường.

Các chỉ tiêu thông số kỹ thuật đối với các phương tiện đo tối thiểu đạt mức quy định trong Quy chuẩn; chấp nhận những chỉ tiêu thông số kỹ thuật quốc gia và quốc tế có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn các quy định trong Quy chuẩn này. Phương tiện đo không thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định, hiệu chuẩn phải có hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, đặc tính kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Thông tư này cho biết, các trạm khí tượng bề mặt thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện quan trắc 4 lần/ngày, tiến hành quan trắc vào các giờ: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ (giờ Việt Nam). Đối với trạm thực hiện quan trắc 8 lần/ngày, tiến hành quan trắc vào các giờ: 1 giờ, 4 giờ, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ (giờ Việt Nam). Trường hợp có thời tiết nguy hiểm trạm thực hiện quan trắc 30 phút/lần hoặc 1 giờ/lần theo yêu cầu của Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Trạm quan trắc tự động đo liên tục và truyền số liệu 10 phút/lần (tại các phút tròn chục trong phút thứ: 00, 10, 20, 30, 40, 50).

Đối với quan trắc khí tượng trên cao gồm có quan trắc thám không vô tuyến bằng thiết bị mặt đất, máy thám không, bóng thám không; quan trắc gió trên cao bằng máy kính vĩ quang học, bóng pilot và quan trắc gió trên cao bằng phương pháp vô tuyến.

Bộ TN&MT giao Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức phổ biến, đôn đốc, kiểm tra áp dụng Quy chuẩn này cho các đối tượng có liên quan. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chuẩn kỹ thuật khi cần thiết.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 28/4/2023, thay thế Thông tư số 25/2012/TT-BTNMT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng, mã số QCVN 46:2012/BTNMT.

Trước đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn thông tin thêm, hiện nay mạng lưới quan trắc và truyền tin của Việt Nam đã được quan tâm và đầu tư nhiều trang thiết bị. Cụ thể, có 186 trạm khí tượng bề mặt, 2.500 điểm đo mưa tự động; 14 trạm đo bức xạ, 232 trạm thủy văn, 26 trạm khí tượng thủy văn biển, 10 radar thời tiết, 179 trạm quan trắc môi trường không khí, nước và 18 trạm định vị sét.

Trên cơ sở chiến lược của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình “Chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ TN&MT, ngành đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai.

Nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng, vận hành các hệ thống thông minh hóa, tối ưu hóa, tự động hóa các quy trình, hỗ trợ hoạt động của ngành, Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Tổng cục giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, Tổng cục đang triển khai các hướng nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác nhau trong các bài toán cụ thể của ngành, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo bão, dự báo định lượng mưa lớn, dự báo nước dâng do bão đang là hướng nghiên cứu trọng tâm ban đầu.

Trong thời gian tới, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bài toán nhận dạng hình thái khí tượng thủy văn nguy hiểm cũng đang được nghiên cứu triển khai với sự phối hợp các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Cục công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT), các Trường Đại học trong nước. Đồng thời nhiều cán bộ của Tổng cục đang tham gia và chủ trì các Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ TN&MT về chuyển đổi số và Chương trình cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”.

Sơn Tinh

Tags: ,
CHIA SẺ