BVR&MT – Hành trình trao quỹ “Dệt Cửi Thêu Mây” không chỉ góp phần mang lại nguồn kinh tế hỗ trợ cho các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình, đây còn là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành dệt vải và đem lại cơ hội phát triển cho các chị em phụ nữ vùng cao.
Hiện nay, ngành công nghiệp dệt may đang ngày một gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường thông qua việc sử dụng lượng lớn nước và các hóa chất trong quá trình sản xuất. Việc tập trung vào sản phẩm dệt bền vững để làm giảm tác động tiêu cực lên môi trường là một xu hướng quan trọng và đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu.
Tổ chức EWA – Empower Women Asia, trực thuộc tổ chức KIBV – Keep It Beautiful Vietnam được ra đời với mục tiêu mang những sản phẩm vải dệt tay truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số đến gần hơn với công chúng và hơn hết là để tạo ra nhận thức về sự bền vững trong ngành dệt may tại Việt Nam.
Ngày 28/5 vừa qua, sự kiện trao quỹ “Dệt cửi thêu mây” đã diễn ra tại Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình dưới sự chỉ đạo của tổ chức KIBV và tổ chức của EWA, tiếp nối thành công của chương trình gây quỹ “Chắp cánh ước mơ bên khung cửi” năm 2022.
Sự kiện gây quỹ lần này thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các khách mời cũng như các quan chức chính quyền địa phương. Cùng với đó, các vị khách mời có tầm ảnh hưởng như Nhà báo Anh Thư – Báo Phụ nữ Thủ đô và Nhà báo Thùy Trang – Báo Thanh Niên, sự góp mặt của siêu mẫu Hương Ly – Đại sứ của tổ chức EWA, Hoa hậu Doanh nhân Đông Nam Á Đỗ Anh Sa và Người đẹp Ảnh Hoa hậu Doanh nhân Đông Nam Á Thúy Nga cũng đã góp phần mang đến một bầu không khí đặc biệt trong sự kiện này.
Trong buổi trao quỹ, bà Trần Thị Thu Hoàn – Trưởng ban đại diện, các lãnh đạo trong tổ chức KIBV và các bạn tình nguyện viên đã chia sẻ niềm vui khi có cơ hội được hỗ trợ cho chương trình “Dệt cửi thêu mây”.
Xuyên suốt hành trình trao quỹ, các thành viên của tổ chức EWA đã có cơ hội trải nghiệm thực tế cuộc sống và công việc tại Bản Lác, Mai Châu, đặc biệt là ở xưởng may Hoa Ban – nơi tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo. Gặp gỡ và trò chuyện với những người phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương đã giúp các thành viên hiểu rõ hơn về những khó khăn và giá trị của công việc của họ.
Bà Vì Thị Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu phát biểu tại buổi lễ: “Tôi thay mặt cho bà con nông dân xã Chiềng Châu xin được gửi làm cảm ơn sâu sắc và chân thành tới các nhà hảo tâm, những nhà tài trợ và những đại sứ đồng hành đã luôn thấu hiểu nỗi niềm của chị em chúng tôi một cách sâu sắc. Mong rằng trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục được đón nhận những sự quân tâm từ các nhà hảo tâm với những người phụ nữ dân tộc thiểu số”.
Tổng cộng, đã có 20 phần quà dưới dạng hiện vật được trao tận tay cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời khoản quỹ cũng được sử dụng để chia sẻ yêu thương và hỗ trợ đồ dùng cần thiết cho xưởng dệt nhằm ổn định sản xuất và cải thiện cuộc sống của các chị em trong làng nghề. Đây vừa là những món quà vật chất, vừa là thông điệp yêu thương và sự khích lệ đến từ cộng đồng đối với sự cống hiến và nỗ lực của những người phụ nữ trong làng nghề.
Trong sự kiện, Hoa hậu Doanh nhân Đông Nam Á Đỗ Anh Sa và Người đẹp Ảnh Hoa hậu Doanh nhân Đông Nam Á Thúy Nga đã thực hiện việc trao tặng quà, bao gồm 20 chiếc khung cửi trị giá 60.000.000 đồng, cho các chị em phụ nữ. “Chị thấy chương trình lần này mang lại rất nhiều giá trị tinh thần ý nghĩa, khi mình trao tặng cho các chị em những chiếc khung cửi nghĩa là mình đang trao cho họ một công cụ để kiếm sống bươn chải dễ dàng hơn, các chị em sẽ tiết kiệm thời gian thay vì phải đi đến xưởng. Song song đó, chị nghĩ nên có thêm những sự đồng hành và giúp đỡ bà con trong việc nâng cao chất lượng mẫu mã, sản phẩm, dịch vụ để tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế” – Người đẹp Thuý Nga chia sẻ.
Hành trình trao gửi yêu thương của tổ chức EWA là một chuyến đi đáng nhớ với niềm hy vọng thông qua sự hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi của các nhà hảo tâm sẽ góp phần cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may tại Mai Châu, Hòa Bình.
Thông qua những hoạt động như “Dệt cửi thêu mây”, chúng ta có thể tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng, nơi mà phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là những chị em khuyết tật được tôn trọng và có điều kiện phát triển bản thân. Mong rằng, tổ chức KIBV cùng tổ chức EWA sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng một môi trường thuận lợi cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào ngành dệt may, đồng thời đảm bảo rằng họ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để phát triển kỹ năng và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Điều này sẽ không chỉ đóng góp tích cực vào nền kinh tế địa phương mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Tin rằng, mỗi bước đi nhỏ sẽ cống hiến cho sự thay đổi lớn lao và xây dựng một tương lai tươi sáng cho cộng đồng.
Hà Vy