BVR&MT – Vừa qua, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 là rất cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lâm nghiệp: quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bảo đảm tính liên tục, tính thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật này với các luật khác có liên quan, hài hòa hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Có chính sách tạo nguồn và thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển bền vững rừng, đa dạng sinh học rừng; phát triển lâm nghiệp phải bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, chủ rừng và người làm nghề rừng, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, từ trồng rừng, cải tạo rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái.
Dự thảo Luật gồm 12 Chương, 97 điều đã quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bố cục cần phải bảo đảm cân đối hơn giữa các quy định về bảo vệ với phát triển rừng; sắp xếp các chương, mục, điều, khoản bảo đảm tính logic và khoa học hơn.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Chau Chắc (đoàn An Giang) cho rằng: Nếu giữ tên gọi là Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục điều chỉnh phạm vi luật cho phù hợp với tên gọi. Phải sửa các nội dung và kết cấu các nội dung của luật cho phù hợp. Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang), nếu lấy tên là Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì nguyên tắc trong Điều 4 lại là “Nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp”. Rõ ràng nguyên tắc này không ăn nhập gì với tên gọi của luật như trong dự thảo luật. Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, ngay khung xương của luật đã có vấn đề nên nếu luật này thông qua rồi sẽ xảy ra xung đột với những luật khác như Luật Thương mại bởi trong dự thảo cũng đề cập đến kinh doanh lâm sản. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo lưu tâm vấn đề này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Cấm khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng cần thêm nội dung cấm những hình thức kinh doanh khác làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng hoặc những hoạt động tương tự. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, về vấn đề chủ rừng cũng phải phân tích rõ. Có những chủ rừng là ban quản lý do Nhà nước thành lập thì phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Như vậy, ban quản lý này sẽ chịu trách nhiệm cả đất, cây, sinh cảnh…Nhưng nếu chủ rừng là cá nhân gây dựng nên như trồng rừng bạch đàn, rừng thông để khai thác thì cũng gọi họ là chủ rừng thì lúc đó trách nhiệm đối với phần còn lại của khu rừng ấy ra sao. Vấn đề này cũng phải được xác định rõ.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: băn khoăn nhất là vấn đề kinh doanh rừng. Theo đại biểu Dương Ngọc Hải, kinh doanh rừng là kinh doanh sản phẩm trên rừng hay là được bán đất rừng. Đất thì không thể bán được mà kinh doanh thì làm dịch vụ, khai thác, bán sản phẩm rừng thế nào? Vì vậy, đại biểu đề nghị phải quy định rõ nội dung này. Diễn đạt, giải thích phải quy định rõ nếu không sẽ khó áp dụng, nếu áp dụng có thể có những văn bản dưới luật.
Đối với dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu tham gia góp ý vào một số vấn đề như về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi của luật; về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, về hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản xa bờ; về thực hiện đồng quản lý trong hoạt động thủy sản; về khu bảo tồn biển, khu bảo tồn thủy sản nội địa; về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; về quy định đối với lực lượng Kiểm ngư;…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, (đoàn Hà Nội) nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủy sản. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, mặc dù trong 13 năm qua Luật Thủy sản đã góp phần tạo nên hành lang pháp lý để các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản được thuận lợi và phát triển, tuy nhiên theo yêu cầu thực tiễn, xu thế hội nhập và chủ trương chiến lược của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với ngành thủy sản, do đó, việc sửa đổi Luật Thủy sản là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và để Luật có tính khả thi cao. Về lực lượng kiểm ngư, đại biểu nhất trí với quy định kiểm ngư trung ương và thành lập thêm hệ thống kiểm ngư địa phương tại 28 tỉnh ven biển.
Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, mặc dù trong dự thảo đã đề cập đến các chính sách về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho hoạt động thủy sản nhưng vẫn còn chung chung. Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cần có chính sách cụ thể, rõ ràng hơn để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhà nước trong chuỗi các hoạt động thủy sản. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị luật cần quy định rõ, cụ thể để sớm đi vào cuộc sống, thực tiễn hoạt động của ngành thủy sản, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định chi tiết bằng việc ban hành các thông tư hướng dẫn dưới luật. Việc này sẽ dẫn đến các khó khăn, vướng mắc chồng chéo khi triển khai luật trong thực tế.
Đồng tình với ý kiến thành lập đội kiểm ngư trung ương và phát triển, chuyển đổi đơn vị thanh tra chuyên ngành thủy sản ở các tỉnh thành kiểm ngư địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, khi chuyển từ thanh tra sang kiểm ngư thì cần phải đào tạo, trang bị và cần được đầu tư tích cực để bảo đảm vấn đề kiểm ngư ở trong vùng gần bờ và cả xa bờ.
Về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nhất trí việc không thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, cho rằng, theo Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng đang hướng về nền kinh tế thị trường, để cơ chế thị trường điều tiết thị trường nhiều hơn là sự can thiệp hành chính của nhà nước nên việc hạn chế thành lập các quỹ là thực sự cần thiết.
Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Hà Nội), trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách để đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích ngư dân ra khơi khai thác thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần thể hiện cụ thể thêm các chính sách của Đảng nhà nước để đảm bảo tính khả thi trong việc đầu tư hỗ trợ ngư dân.
Ngày mai (8/6), buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy lợi. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; thảo luận tại Hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.