BVR&MT – Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, ngày 10/11, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 – 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 – 6,0%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 – 1,5%…
Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Trước khi biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Báo cáo nêu rõ: Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.
Do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là “Ban Thanh tra nhân dân” như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội thảo luận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Một số đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các chính sách hỗ trợ quy định tại Chương II, trong đó cần có các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, chế biến, ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, cơ chế thúc đẩy, khuyến khích liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị giữa các tổ chức kinh tế hợp tác và các doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu cho rằng nên giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), tên gọi Luật Hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ đã quen thuộc từ luật hiện hành và đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người Việt. Nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải thay đổi tên luật.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác này, khắc phục những bất cập, vướng mắc đã phát sinh. Đồng thời, việc sửa đổi Luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thích ứng với môi trường kinh doanh mới và đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết mà Việt Nam là thành viên.
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa.
Từ đó, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị cần bổ sung dự thảo Luật quy định áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế, chỉ cần có căn cứ chứng minh thiệt hại đó chắc chắn sẽ xảy ra.
Thảo luận về nội dung bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp; quy định cụ thể hơn những chế tài để bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng để tránh bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.