Quảng Ninh: Quan tâm xoá nghèo vùng dân tộc thiểu số

BVR&MT – Quảng Ninh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. Đây là mục tiêu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”.

Theo nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW, những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta giảm nhanh. Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1% thì đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Ngày 6/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, mục tiêu nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và huyện Bình Liêu khánh thành, bàn giao nhà mới cho gia đình bà Hoàng Thị Cam là hộ nghèo ở thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô (Bình Liêu), tháng 12/2020. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT&VH huyện Bình Liêu)

Mục tiêu tổng quát là tăng cường thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững đến năm 2030, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Góp phần thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, cải thiện và nâng cao rõ rệt đời sống của nhân dân; khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo. Hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2030; hướng tới giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân hằng năm 0,8%/năm, khu vực thành thị giảm trung bình 0,3%năm, khu vực nông thôn giảm trung bình 1,5%năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 còn dưới 1%. Đến hết năm 2022, không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.

Kế hoạch số 92-KH/TU đặt ra đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020, không còn nhà tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bảo dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn.

Trước đó, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã rất quan tâm đến xoá nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chỉ thị, nghị quyết, giải pháp, ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn để tập trung phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo với trọng tâm là thực hiện thành công Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 (Đề án 196) trước 1 năm so với kế hoạch.

Theo thống kê, giai đoạn các năm 2017-2020, tỉnh đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và công trình hạ tầng khác phù hợp quy hoạch nông thôn mới. Đến nay, đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn – sớm hơn 1 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra.

Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06 – NQ/TU “về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Sự quan tâm của tỉnh; vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và từ chính nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình, người dân sẽ là tiền đề để chúng ta xóa được nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số như mục tiêu tỉnh đã đặt ra.