BVR&MT – Hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều chương trình trồng cây gây rừng, từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường; đồng thời, mở rộng diện tích rừng trồng và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Ngày 27/1/2023 (tức ngày mùng 6 Tết Quý Mão), Hội Nông dân toàn tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây tại tất cả các địa phương. Tại chương trình này, sẽ có hàng chục nghìn cây giống thuộc loài lim, giổi, lát sẽ được trồng mới tại các diện tích rừng mới thu hoạch. Chương trình ngoài việc tạo sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân với phong trào trồng cây xanh để bảo vệ môi trường và còn kỳ vọng sẽ nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn theo chủ trương của tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, trong hai năm qua, đã có nhiều cánh rừng đã được phủ xanh thông qua phong trào trồng cây gây rừng và chương trình trồng rừng gỗ lớn. Tiêu biểu như năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hỗ trợ cây giống, phân bón cho các hộ hội viên, nông dân toàn tỉnh trồng được hơn 24ha rừng gỗ lớn với các loại cây lim, giổi, lát, quế gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Các chương trình này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân, qua đó, góp phần mở rộng diện tích đất trồng rừng của tỉnh Quảng Ninh.
Còn đối với các địa phương ven biển, để duy trì, phục hồi những cánh rừng ngập mặn, bảo vệ sinh thái, nhiều chương trình trồng, bảo vệ, phát triển rừng cũng đã được phát động, triển khai. Tiêu biểu như tại TP Móng Cái, BQL Rừng phòng hộ Móng Cái và các xã, phường đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, ngăn chặn các hoạt động chặt phá, lấn chiếm đất đai hay khai thác thủy, hải sản làm tổn hại đến sinh thái rừng ngập mặn. Hay như huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà, TX Quảng Yên cũng đang tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức quốc tế triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn, giảm thiểu rủi ro thảm họa”. Dự kiến trong giai đoạn 2023-2028, sẽ có khoảng 200-300ha rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh được trồng, phục hồi, phát triển nhằm tạo nguồn sinh thái bền vững cho tương lai.
Đặc biệt, ở các đơn vị ngành Than, với chủ trương gắn phát triển với bảo vệ môi trường, trong nhiều năm qua, Tập đoàn này cũng tích cực thực hiện việc trồng cây xanh hoàn nguyên các bãi thải. Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường tại Quảng Ninh đạt gần 1.500 ha. Dự kiến đến năm 2025, mỗi năm, Tập đoàn sẽ phủ xanh thêm 1.000 ha diện tích bãi thải, qua đó, góp phần nhân thêm những cánh rừng xanh để bảo vệ môi trường.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, diện tích rừng trồng của tỉnh Quảng Ninh ngày càng mở rộng. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây khi Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững được triển khai mạnh mẽ, Quảng Ninh đã trồng thêm được gần 1.800ha rừng trồng cây gỗ lớn, một mặt tạo sinh kế lâu dài cho người dân và góp sức để mở rộng diện tích những “lá phổi xanh”, bảo vệ môi trường. Mới đây, tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, trồng mới ít nhất 5.000ha rừng, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời, chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn; bảo vệ, phục hồi tối đa diện tích rừng tự nhiên cũng như duy trì, củng cố các khu rừng đặc dụng hiện có. Mục tiêu cao nhất là tranh thủ lợi ích từ rừng để phát triển bền vững cũng như giữ gìn môi trường sinh thái cho muôn đời sau.