BVR&MT – Cùng với các nhóm Dao Thanh Phán và Dao Lô Gang, người Dao Thanh Y là bộ phận hợp thành của dân tộc Dao ở Quảng Ninh. Người Dao Thanh Y sống rải rác ở Hạ Long, Uông Bí, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Họ đã sáng tạo ra kho tàng văn hoá đa dạng phong phú và đặc sắc mang đậm dấu ấn bản địa. Trong đó, lễ cấp sắc là tập quán xã hội đặc sắc do người Dao Thanh Y sáng tạo ra và bảo tồn gìn giữ phát huy giá trị trong nhiều thế hệ đã qua.
Theo nghệ nhân Đặng Văn Thương, xã Bằng Cả, TP Hạ Long, lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ đặt tên đối với người con trai Dao Thanh Y dù có nhiều tuổi đến đâu, mà chưa trải qua lễ cấp sắc coi như chưa có tên, chưa ghi danh, chưa được cộng đồng và các thần linh công nhận. Do đó, người đàn ông Dao Thanh Y đã qua cấp sắc mới được coi là người trưởng thành, khẳng định với dòng tộc, tổ tiên về vị trí, vai trò của người đàn ông trong gia đình, mới được phép tham gia vào những công việc hệ trọng của làng, đủ tư cách thắp hương bàn thờ và có thể đi cúng cầu may, cầu mùa cho hàng xóm, khi chết được về đoàn tụ với tổ tiên. Chính vì thế, lễ cấp sắc thường được làm rất to, cầu, cúng, ăn uống… đến 3 ngày 3 đêm.
Những người được cấp sắc sẽ gọi thầy cúng là sư phụ – họ đều là những người dân tộc Dao Thanh Y có uy tín trong vùng được gia đình mời đến. Mỗi thầy cúng chính sẽ có 2 thầy cúng phụ và các học trò. Thầy cúng sử dụng sách chữ Nôm đọc theo phiên âm tiếng Dao để thực hành các nghi lễ. Đặc biệt, các bài cúng có nhiều nội dung hướng thiện, có tính giáo dục truyền thống, phong tục tập quán, khuyên răn đạo lý làm người, và thể hiện khát vọng ấm no hạnh phúc của cộng đồng người Dao Thanh Y.
Khác với người Dao Thanh Phán, lễ cấp sắc có thể được tổ chức 2-3 lần trong đời thì người Dao Thanh Y chỉ tổ chức duy nhất một lần trong đời. Do vậy, các khâu từ chuẩn bị đến làm lễ đều rất cầu kỳ, cẩn thận và chu đáo, thể hiện sự thành kính, tri ân, trân trọng vô cùng của cộng đồng người Dao Thanh Y đối với cội nguồn tổ tiên, các vị thần linh.
Tên tuổi của người Dao Thanh Y được đặt gắn với số thứ bậc từ đầu đến cuối trong bàn thờ tổ tiên để cúng các ngày lễ tết, lễ giỗ tổ tiên, lễ cúng gọi hồn, vía. Việc đặt tên của người Dao Thanh Y liên quan mật thiết đến 3 đời, liên quan đến vai vế và thứ bậc của dòng họ. Do đó, để không bị trùng tên với tổ tiên, trước khi chuẩn bị đặt tên một người, gia đình phải kiểm tra kỹ lưỡng thứ tự trong dòng họ của mình, sau đó mới làm lễ để xin phép tổ tiên được đặt tên.
Lễ cấp sắc có thể làm cho một người cũng có thể làm cho nhiều người nhưng thường thì không quá 7 người. Tiến trình của một lễ cấp sắc được thực hiện như sau: Gia chủ mang lễ vật đến nhà thầy cả báo cáo và xin phép, thầy mo mang lễ ra miếu thờ thổ địa của bản để cúng cầu xin, gia chủ xem ngày tổ chức, thầy cúng đến nhà gia chủ chuẩn bị nghi lễ, thầy cả sẽ thực hành các nghi lễ chính của lễ cấp sắc, khai đàn, đặt tên âm, khao quân, tạ ơn tổ tiên và thần linh… Sau lễ cấp sắc tất cả thành viên dự buổi lễ sẽ được thụ lộc và cùng nhau quây quần bên mâm cỗ ấm cúng mà gia đình đã chuẩn bị.
Theo nghệ nhân Hà Xuân Tiến, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, đối với người Dao Thanh Y, lễ cấp sắc có tác dụng cố kết cộng đồng, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc thông qua các điều giáo huấn cho người thụ lễ tuyệt đối không làm việc ác, điều xấu, tôn sư trọng đạo, biết ơn đấng sinh thành, trọng tình trọng nghĩa, thuỷ chung với bạn bè. Điều này được thể hiện qua lời thề của người được cấp sắc dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và sự chứng kiến của gia tộc, cộng đồng làng bản. Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y Quảng Ninh là di sản văn hoá phi vật thể quý báu, đồng thời cũng là kho tư liệu quý cho việc nghiên cứu các lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng, văn hoá tộc người, diễn xướng dân gian…
Hiện nay, theo quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn minh, lễ cấp sắc đã được giản lược đi rất nhiều nhưng ý nghĩa, tầm quan trọng thì vẫn được giữ nguyên. Vừa qua, việc Bảo tàng Quảng Ninh sưu tầm, nghiên cứu và trưng bày chuyên đề “Độc đáo lễ cấp sắc người Dao Thanh Y tỉnh Quảng Ninh” đã cung cấp thêm những nội dung thông tin để hoàn thành bộ hồ sơ xét đề nghị Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận tập quán xã hội độc đáo này là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.