BVR&MT – Chiều 28/3, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/2/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo đoàn công tác về tình hình 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết 19 và đây là nghị quyết đầu tiên, chuyên biệt của tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững.
Chỉ thị số 13-CT/TW đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp đã có chuyển biến theo hướng tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn cùng với việc đưa các giống cây trồng lâm nghiệp mới, có chất lượng tốt đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng.
Xã hội hóa nghề rừng được đẩy mạnh, đặc biệt trong đầu tư và thu hút nguồn lực đầu tư. Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng được bảo vệ tốt, đặc biệt trong 5 năm đã thành lập Khu rừng đặc dụng Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn Quảng Nam Châu, Khu Bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát huy hiệu quả phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, bảo đảm an ninh nguồn nước; tỷ lệ che phủ rừng được giữ vững 55% và chất lượng rừng được nâng cao.
Việc hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, phát triển lâm nghiệp được phát huy hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được quan tâm với các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động lâm nghiệp được tăng cường, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật được khắc phục và xử lý nghiêm.
Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng được triển khai đồng bộ góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân miền núi.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả tích cực mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, Chỉ thị 13-CT/TW đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai nghiêm túc, xuyên suốt đem lại kết quả tích cực.
Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ thị với mục tiêu khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chuyển dịch mạnh từ “nâu sang xanh”, duy trì tỷ lệ độ che phủ hằng năm cao, bảo tồn đa dạng sinh học, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào trồng rừng, công tác phòng, chống cháy rừng được quan tâm.
Những kết quả và mô hình phát triển rừng bền vững của Quảng Ninh chính là bài học kinh nghiệm quý giá để báo cáo Ban Bí thư ban hành những cơ chế, chính sách mới trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Quảng Ninh còn một số tồn tại, hạn chế như: số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp; một số vụ phá rừng, khai thác gỗ quý hiếm còn xảy ra; Công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; sản phẩm gỗ rừng trồng chưa đa dạng, giá trị gia tăng còn thấp; ứng dụng khoa học-công nghệ trong phát triển lâm nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp tổng hợp còn hạn chế.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh; quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả.
Đồng thời, đồng chí đề nghị tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống, có các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.
Trước đó, đồng chí Trần Tuấn Anh và Đoàn công tác đã đi khảo sát thực địa các mô hình quản lý bảo vệ rừng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.