BVR&MT – Nhiều năm qua, các hộ dân ở tổ 9, khu 6, phường Mông Dương (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) phải sinh sống ngay sát khu vực bãi thải hình thành từ quá trình khai thác than của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thăng Long (Công ty Thăng Long) và liên tục phải chịu những mối nguy hiểm đe dọa đến cuộc sống.
Chỉ tính riêng 3 trận mưa trong tháng 6/2017 tại thành phố Cẩm Phả, nước đã kéo theo bùn từ bãi thải tràn vào nhà nhiều hộ dân, gây ngập úng cục bộ. Đây không phải là lần đầu tiên các hộ dân phải chịu cảnh như vậy. Cá biệt, có hộ dân phải bỏ nhà cửa để di dời sang nơi khác sống tạm bợ.
Ông Hoàng Ngọc Chi, sinh năm 1967, thường trú tại đây phản ánh: tháng 7/2015, Công ty Thăng Long đưa nhiều máy móc, thiết bị vào khai thác than tại vỉa 15 thuộc Khe Chàm 1. Song song với việc thăm dò khai thác than, Công ty Thăng Long đã đổ thải đất đá với chiều cao từ 30-70m so với đất vườn và nhà của các hộ dân. Khoảng cách chân bãi thải đến một số hộ là chưa đầy 50m và không hề có các biện pháp an toàn, bảo đảm cho hộ dân phía dưới chân bãi thải.
Tại thời điểm này, Công ty Thăng Long còn khoan nổ mìn thường xuyên, không có thời gian nhất định và cũng không có kế hoạch thông báo để đảm bảo cho người dân xung quanh.
Trước tình hình đó, các hộ dân đã liên tục gửi đơn thư kiến nghị lên các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Ninh cũng như thành phố Cẩm Phả để cầu cứu.
Đến ngày 27/6/2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Cẩm Phả ra văn bản đề nghị Công ty Thăng Long lập phương án cải tạo phục hồi môi trường, xử lý triệt để các nguy cơ sạt lở đất đá thải xuống khu dân cư, tuyệt đối không được khai thác, vận chuyển than trong ranh giới được giao khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Ngày 24/7/2015, Tổng Công ty Đông Bắc ban hành Quyết định phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường khu mỏ Đông Bắc Khe Chàm, phường Mông Dương, thời gian thực hiện dự án từ quý III/2015 đến hết quý I/2016.
Hiện phương án hoàn nguyên môi trường đã được phê duyệt và công tác hoàn nguyên đã được Công ty Thăng Long thực hiện. Thế nhưng, theo phản ánh của các hộ dân tổ 9 khu 6, khu vực công ty này hoàn nguyên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá xuống khu dân cư là rất cao. Hơn nữa, bãi thải đổ đất đá để hoàn nguyên cao hàng trăm mét và chia thành nhiều tầng với mỗi tầng có độ cao rất lớn.
Ông Chi chia sẻ thêm: “Nước trên khu vực bãi hoàn nguyên đều dốc hết xuống con mương, khi mưa lớn nước không chảy kịp. Nguy hiểm hơn khi dưới chân bãi thải chỉ có khu vực cống thoát nước được kè một lớp rọ đá hộc. Trước tình cảnh có nguy cơ sạt lở, người dân có ý định xây dựng kè chắn nhưng việc này không được sự cho phép của cơ quan chức năng.”
Các hộ dân sinh sống ở khu này chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng cây ăn quả. Ông Vũ Quang Mỳ, người có hơn 20 năm trồng cam ở đây cho hay, nếu lấy trực tiếp nước ở con mương lên tưới cho cây, chỉ vài tháng sau cây chết khô.
Từ khi bãi thải xuất hiện khiến nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, dân ở đây gọi là “nước xít” chảy từ trên bãi thải than. Mùa đông cũng như mùa hè, nước trên mương đóng thành từng váng dày nổi trên mặt, không ai dám bơm lên để tưới cho cây. Nước giếng ở đây có mùi rất tanh, bơm lên vàng khè.
Để giảm thiểu độc tố có trong nước, ông Mỳ cùng các hộ dân khác phải xây dựng các bể lọc. Nước được bơm từ con mương lên được lọc qua nhiều lần, sau đó mới tưới cho cây, nhưng năng suất cây trồng ngày càng giảm và không thể khắc phục được.
Bà Phạm Thị Tuyến (một trong 17 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bãi thải xỉ than) bức xúc nói: “Trước đây, khi công ty Thăng Long còn khai thác, hoạt động nổ mìn đã làm nứt tường nhà và trần nhà. Giờ đây, khi hoàn nguyên, gia đình vẫn phải gánh chịu hậu quả từ nước bùn của bãi thải than. Gia đình đã phải xây dựng bờ kè để ngăn “lũ bùn” tràn vào nhà.”
Theo ông Tấn Văn Thạch cư dân nơi đây, gia đình ông vốn có 800 cây trồng gồm cam, na nên cần nguồn nước rất lớn. Từ khi bãi thải xuất hiện, nguồn nước tưới cho vườn cây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hai năm trở lại đây, hầu như vườn cây nhà ông bị mất trắng.
Qua nhiều lần kiến nghị, đến ngày 16/6/2016, Sở Xây dựng đã gửi công văn về việc thực hiện đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và kèm theo nhiều biên bản họp rà soát, khoanh vùng di dân…
Nhưng đến nay, 17 hộ dân sinh sống quanh khu vực chân bãi thải hoàn nguyên của Công ty Thăng Long đều chung một nỗi lo: Liệu mỗi mùa mưa đến, bãi thải có an toàn? Ai dám chắc việc hoàn nguyên đã đảm bảo? Mặt khác, việc có được di dời chỗ ở sang nơi khác hay không, người dân nơi đây cũng chưa biết.
Như vậy, vấn đề hoàn nguyên môi trường sau quá trình khai thác than luôn là một thử thách khó khăn đặt ra đối với tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó là việc lỏng lẻo trong giám sát, kiểm định chất lượng các bãi thải hoàn nguyên môi trường đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến người dân.
Từ đó, vấn đề di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm trên địa bàn cần phải sớm tiến hành, đảm bảo an toàn cho đời sống người dân.