BVR&MT – Xác định công tác bảo vệ môi trường (BVMT) Vịnh Hạ Long là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ, gìn giữ và phát huy hiệu quả các giá trị di sản, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, ngành, địa phương quyết liệt triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực. Qua đó, không ngừng lan tỏa ý thức, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, chung sức vì một Kỳ quan Vịnh Hạ Long mãi xanh.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 14 dự án cải thiện môi trường tỉnh, trong đó có các dự án liên quan trực tiếp BVMT Vịnh Hạ Long như: Dự án lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh, dự án đánh giá bồi lắng và ô nhiễm môi trường trầm tích đáy Vịnh Hạ Long và biện pháp giảm thiểu; dự án xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động tại Quảng Ninh…
Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các giải pháp, nghiêm cấm các hoạt động tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường vịnh. Theo đó, 100% các khu công nghiệp tập trung ven bờ vịnh có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn và hệ thống giám sát tự động; ngành Than đã đưa vào vận hành 34 trạm xử lý nước thải và có thiết bị quan trắc môi trường tự động, TP Hạ Long có 5 nhà máy và trạm xử lý nước thải đô thị, tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96%…
Cùng với đó, môi trường Vịnh Hạ Long được tăng cường quản lý theo hướng kiểm soát tốt nguồn thải, chất lượng môi trường nước được quan trắc, đánh giá định kỳ tại 41 điểm quan trắc trên vịnh. Rác thải tại các điểm tham quan, tàu du lịch, các luồng, tuyến, khu vực tổ chức dịch vụ, bãi triều, bãi cát, trên vịnh được tăng cường thu gom, xử lý triệt để với trung bình trên 1 tấn rác/ngày. Ban Quản lý (BQL) vịnh cũng thực hiện lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại 3 điểm du lịch, 10 thùng rác nổi cỡ lớn trên Vịnh Hạ Long, 117 thùng rác tại các điểm tham quan.
Đặc biệt, từ năm 2019, BQL Vịnh Hạ Long đã triển khai phong trào chống rác thải nhựa trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh. Sau gần 3 năm thực hiện, phong trào đã góp phần làm giảm trên 90% rác thải nhựa trong các hoạt động tham quan, du lịch trên vịnh, tỷ lệ thay thế phao xốp bằng các vật liệu nổi bền vững khác nhằm giảm thiểu rác thải xốp trôi nổi trên vịnh đạt trên 94%.
Ban đã lắp đặt gần 1.050 các loại biển cố định, biển di động, poster với nội dung thông báo “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần” đặt tại các cảng tàu, các điểm tham quan du lịch trên vịnh, trên các tàu thuyền du lịch… Đồng thời, tổ chức ký cam kết “Không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long” với trên 300 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, dịch vụ kayak, doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, đưa nội dung không sử dụng, bán sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long vào hợp đồng tàu du lịch neo đậu, quay trở, cập cảng/bến, đón trả khách tham quan trên Vịnh Hạ Long để làm cơ sở pháp lý; đề nghị các công ty du lịch lữ hành, hướng dẫn viên du lịch đưa khách tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho khách du lịch biết, thực hiện nghiêm túc.
Ông Đào Mạnh Lượng, Chi Hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho biết: Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, Chi hội đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường vịnh. Đến nay, 100% các tàu du lịch đã lắp đặt thiết bị phân ly dầu – nước. Các tàu cũng tự giác thực hiện việc chống rác thải nhựa thông qua việc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tích cực nhắc nhở du khách không mang theo chai nước, ống hút nhựa đi kèm, vỏ khăn, giấy lau bằng ni-lông, túi ni-lông đựng đồ khi xuống tàu nhằm ngăn chặn việc xả thải ra vịnh.
BQL Vịnh Hạ Long còn phối hợp với các đơn vị thực hiện các dự án bảo vệ môi trường, thu gom, tái chế rác thải nhựa, giảm thiểu rác phát sinh như: Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long”; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện dự án “Thí điểm quản lý rác thải nhựa đô thị khu vực vùng bờ Vịnh Hạ Long, Việt Nam”… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long nói riêng và gìn giữ, bảo tồn giá trị di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới nói chung.