Quảng Ninh: Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật về tuyên truyền đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

BVR&MT – Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo, với diện tích tự nhiên 6.110 km², có 14 đơn vị hành chính gồm 04 thành phố, 02 thị xã và 08 huyện với 186 xã, phường, thị trấn. Dân tộc thiểu số của tỉnh gồm 21 thành phần, với 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia.

Giao thông thôn bản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng được hoàn thiện và nâng cấp góp phần thúc đẩy kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số.
Giao thông thôn bản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng được hoàn thiện và nâng cấp góp phần thúc đẩy kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, kinh tế – xã hội của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao so với bình quân chung cả nước. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,1%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 40.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với dự toán (thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước, thu nội địa luôn đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 5.110 USD, toàn tỉnh hiện có 72/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới , 4/14 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,2%, các chính sách xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.

Kinh tế phát triển, Quảng Ninh có nhiều cơ hội để quan tâm đến phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng DTTS&MN, nhất là sau khi Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc được ban hành. Do đó diện mạo vùng DTTS&MN của tỉnh đã có nhiều đổi mới; cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng khó khăn từng bước được đầu tư, cải thiện, chính sách an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực; Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao hơn trước; Nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được bảo vệ vững chắc, không để phát sinh những “điểm nóng” về an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ ở vùng DTTS&MN và trong đồng bào DTTS của tỉnh.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội ở vùng DTTS&MN của tỉnh còn nhiều khó khăn, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng DTTS&MN và đô thị còn khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo các xã vùng khó khăn còn cao; Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chất lượng y tế, giáo dục có mặt còn hạn chế; Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc bị mai một; Một số hủ tục trong phong tục tập quán của một bộ phận người DTTS vẫn tồn tại.

Thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 08/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Ban Dân tộc chủ trì tham mưu triển khai thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, quan tâm chỉ đạo sát sao các Sở, Ban, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Với mục đích, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 đã được các cơ quan đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh tổ chức thực hiện đồng bộ dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của từng ngành, từng địa phương, hình thức phong phú như lồng ghép nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện các đề án, chính sách hoặc thực hiện nhiệm vụ có liên quan thuộc đơn vị mình.

Kinh tế phát triển, Quảng Ninh có nhiều cơ hội để quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Kinh tế phát triển, Quảng Ninh có nhiều cơ hội để quan tâm đến phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua đánh giá và ghi nhận, các Sở, Ban, ngành đã chủ động lồng ghép nội dung thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm đã cho thấy đạt được những kết quả tốt. Đã tổ chức thực hiện 551 hội nghị, diễn đàn, tập huấn về tuyên truyền giáo pháp luật với 29.313 lượt, là cán bộ, nhân dân các xã, thôn, bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh tham dự, cùng với đó đã mở 420 lớp tập huấn chuyên môn, xây dựng 07 chuyên đề, phóng sự truyền hình, tổ chức 13 cuộc thi tìm hiểu Luật Lâm nghiệp cũng như các quy định PCCCR. Với 56 buổi tuyên truyền, thông qua hình thức văn hóa, văn nghệ , thực hiện 200 buổi chiếu phim lưu động/năm. Đồng thời,biên soạn hơn 50 .000 tờ gấp pháp luật về các lĩnh vực cho các xã nghèo, khó khăn, biên giới, cấp phát 274.510 tài liệu tờ gấp, tờ rơi, đĩa DVD có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Cấp phát miễn phí bảng thông tin, hộp tin đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn (22 xã và 11 thôn thuộc chương trình 135), phối hợp với Đài PTTH tỉnh thực hiện nhiều phóng sự về công tác trợ giúp pháp lý, để tăng cường sự hiểu biết và nhận thức của nhân dân về chính sách trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các đối tượng thuộc người nghèo,đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, xã nghèo trong tỉnh.In ấn và cho ra cuốn sổ tay công tác dành cho người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi,sổ tay truyền thông phòng, chống mua bán người, hỏi đáp các quyền cơ bản của dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó thực hiện việc biên tập, phát sóng, phát hành các sản phẩm thông tin mang tính chất báo chí, các chương trình phát thanh truyền hình với ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Dao thông qua Đài THVN đã sản xuất 06 sản phẩm truyền hình (thời lượng 15 phút/sản phẩm), phát sóng 01 sản phẩm truyền hình/tháng, Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất 12 sản phẩm truyền thanh. Mặt khác đã thực hiện trên 1000 lượt tin, bài,ảnh phóng sự trên các báo Trung ương có văn phòng thường trú, đại diện ở địa phương, báo địa phương, Trung tâm truyền thông đã sản xuất trên 300 lượt tin, bài, phát sóng trong các bản tin hàng ngày trên các kênh QTV1 và QTV3.

Các sản phẩm truyền thông với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền ,vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các quy định mới của pháp luật, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, những mô hình tiêu biểu, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, phổ biến văn bản pháp luật ở cơ sở. Những khó khăn, vướng mắc trong việc tuyên truyền những chính sách, văn bản pháp luật về mọi lĩnh vực trong đời sống ở vùng dân tộc, thiểu số, miền núi. Các bài viết chuyên đề nổi bật như: “TP. Móng Cái đạt kết quả tích cực trong phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên, vận động đồng bào dân tộc thiểu số miền núi”, “Hoành Bồ phát huy người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ”Nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số”… Công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật, được lồng ghép trong các chuyên đề “Vấn đề bạn quan tâm”, “ Truyền hình tiếng Dao”. Các Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện tiếp sóng Trung tâm Truyền thông tỉnh, tăng cường tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở và khu dân cư ,tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Thông qua việc triển khai thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2020, 90% người dân tại xã Yên Than, huyện Tiên Yên được tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình…; thí điểm mô hình đưa công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới vào quy ước, hương ước tại các xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ xã Quảng Minh, huyện Hải Hà; xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ về cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ để giúp người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa nắm được các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng truyền thống ở địa phương. Thông qua các hoạt động đó nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân để từ đó có trách nhiệm tuân theo quy định của pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự và góp phần nâng cao đời sống ấm no, văn minh hơn.

Trong năm 2019, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Vận dụng luật tục của người Dao, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” vào quản lý và xây dựng cộng đồng tự quản thôn, bản vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Kết hợp với hoạt động trợ giúp lý để nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tổ chức trợ giúp pháp lý được tổ chức tại các xã, thôn, bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn như: xã Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ), xã Húc Động, Đồng Văn (huyện Bình Liêu), xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên). Từ năm 2017-2019 đã thực hiện tổng số 159 vụ việc/ 159 người dân tộc thiểu số (trong đó, người dân tộc thiểu số: 149; người vừa thuộc người dân tộc thiểu số vừa thuộc diện hộ nghèo.

Lê Hồng