BVR&MT – Hàng ngàn cây dương liễu trồng dọc ven bờ biển có tuổi đời hàng chục năm đang bị chính quyền địa phương cho đốn hạ, san ủi để trồng rau.
Người dân ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đang rất bức xúc và không khỏi xót xa, tiếc nuối hàng ngàn cây dương liễu ven biển ở thôn 4 đang bị cho đốn hạ.
Những cây này có tuổi đời hàng chục năm, nay chỉ còn trơ gốc, chuẩn bị san ủi, biến thành nơi trồng rau.
Chưa biết dự án trồng rau như thế nào nhưng người dân lo lắng cánh rừng “phòng hộ” ven biển, được xem như “lá phổi xanh” bị xẻ thịt sẽ tác động xấu đến cuộc sống của họ.
Mất lá chắn của dân làng
Tại hiện trường, trong số hàng ngàn cây dương liễu bị đốn hạ có những cây đường kính lên đến 20 – 30cm nằm la liệt và hàng trăm cây trơ gốc. Hiện tại, khoảng cách từ rừng dương liễu khai thác đến bờ biển chỉ còn hơn 200m.
Khi phóng viên tiếp cận chụp ảnh, một người xưng là cán bộ đơn vị khai thác đến cản trở không cho vào. Lý do là phải xin phép, trong khi theo quan sát khu này không có biển cấm. Thấy có người lạ, một số người đang khai thác gỗ liền dừng công việc và mang máy cưa rời đi.
Theo người dân, cánh rừng dương vừa bị chặt hạ được trồng cách đây khoảng 30- 40 năm với mục đích chắn sóng, chắn cát, mưa, bão che chở cho xóm làng.
Bình thường người dân chỉ cần chặt một nhánh củi cũng bị chính quyền xã nhắc nhở và xử phạt. Tuy nhiên, lần này họ thật sự “sốc” trước việc chính quyền cho chặt bỏ trắng diện tích rừng lên đến vài hecta không thương tiếc.
Rừng dương bị triệt hạ, nhiều người dân đang lo ngại về những hệ lụy lâu dài của môi trường, đe dọa trực tiếp đến đời sống. Địa hình bãi ngang không có núi che chắn bên ngoài khu vực biển luôn hứng chịu gió và cát nên rừng được xem là “thần hộ mệnh” của làng, nhất là trong những ngày bão nổi.
Một người dân thôn 4, xã Đức Chánh bày tỏ: Rừng dương bị phá, làng xóm mất đi lá chắn tự nhiên. Khi có gió lớn cát sẽ bay vào, hơi nước từ biển thổi vào sẽ khiến nhiều diện tích trồng cây hoa màu của người dân chết dần. Nếu tổ chức họp dân thì người dân không bao giờ đồng ý.
“Cây dương liễu trên cát trồng lên được như vậy là quý lắm. Nếu cứ phát triển kinh tế mà lấn rừng trên cát thì đến lúc hối hận cũng không kịp. Trồng được rừng dương trên cát vài chục năm tuổi vậy đâu phải dễ dàng gì” – bà L. ở thôn 4 tiếc nuối.
Cũng ở thôn này, bà B. ngậm ngùi: “Đây là khu rừng phòng hộ và lá chắn bảo vệ gió bão của người dân trong thôn, người dân chúng tôi không bao giờ muốn đổi rừng cho dự án rau sạch của xã”.
Phá để trồng rau sạch
Bí thư xã Đức Chánh Đoàn Văn Bảy cho biết, để thực hiện dự án trồng rau an toàn, chính quyền địa phương đã họp dân. Trên cơ sở đó, xã đề nghị lên huyện và được cho chủ trương. Các bước đều theo đúng trình tự.
Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu được xem biên bản họp dân và các thủ tục liên quan thì ông Bảy từ chối, hẹn hôm sau do Chủ tịch xã đi tập huấn, Phó Chủ tịch xã đi họp, văn thư xã không có ở cơ quan.
Theo ông Bảy, diện tích rừng dương liễu bị đốn hạ là 4ha để quy hoạch làm vùng sản xuất rau sạch thuộc rừng sản xuất. Trước đây, diện tích này thuộc rừng phòng hộ, nhưng từ những năm trước, khi có doanh nghiệp đầu từ vào nuôi tôm thì đã được chuyển sang rừng sản xuất.
“Có khoảng 31ha rừng phòng hộ được chuyển sang rừng sản xuất. Tuy nhiên, do thấy diện tích rừng phòng hộ còn lại “mỏng”, nên đã chuyển trở lại 14,5ha” – ông Bảy cho biết.
Ông Bảy cũng khẳng định, diện tích rừng bị đốn này không ảnh hưởng gì đến người dân và môi trường sống, bởi đai rừng phòng hộ (tính từ mép biển) còn đến 210m.
“Việc gì đem lại lợi ích cho dân thì chúng tôi không ngần ngại làm, không tiếc gì hết và tin rằng nó hiệu quả” – ông Bảy nói rõ.
Liệu có lặp lại “vết xe đổ”
Chia sẻ về lo ngại việc này liệu có lặp lại thất bại như việc phá hơn 12 ha rừng trước đây để nuôi tôm trên cát, giờ nhiều diện tích hồ nuôi phải bỏ hoang, Bí thư xã Đức Chánh bày tỏ, mô hình nuôi tôm thất bại là ngoài ý muốn, còn mô hình này, tin tưởng sẽ thành công.
“Khi mô hình thành công, địa phương sẽ tiếp tục ‘triệt hạ’ thêm diện tích rừng dương đã quy hoạch rừng sản xuất để nhân rộng”, ông Bảy cho hay.
Theo ông Bảy, sự tự tin này dựa trên thành công của các những mô hình sản xuất rau, cà… nhỏ lẻ của người dân những năm qua. Còn về vấn đề đầu ra, ông Bảy cho biết, hội đồng hương xã Đức Chánh tại TP.HCM “hứa” sẽ tìm kiếm.
Trồng rau không được, sẽ cho trồng lại rừng kinh tế
Trao đổi với PV sáng qua, ông Vũ Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho hay, nếu trồng rau không được thì sẽ cho trồng lại rừng kinh tế.
“Đơn vị có dự án rau sạch tại khu vực rừng trên đã xin 17ha, nhưng trước mắt huyện chỉ đồng ý cho 5ha, nếu hiệu quả sẽ cho tiếp 12ha còn lại” – lời ông Nhân.
Lý giải về việc phá rừng dương để trồng rau, ông Nhân cho biết, khu vực đó có cây nhưng không hiệu quả, để đó hàng trăm năm nữa vẫn thế. Bây giờ yêu cầu khai thác vùng đất này để phát triển kinh tế, huyện thấy hợp lý nên làm. Đó là đi đúng hướng của huyện và tỉnh cho phép.
Về việc người dân không đồng ý phá rừng, ông Nhân nói rõ: “Cái gì cũng dân hết thì địa phương theo đuôi dân sao. Không đời nào có chuyện đó”.
Theo thống kê vào năm 2004, tổng diện tích dương ven biển toàn xã Đức Chánh khoảng 64ha, trong đó có 31ha thuộc rừng phòng hộ. Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng (CT số 38/2005-CT-Ttg) về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất), xã Đức Chánh tiếp tục chuyển đổi bổ sung thêm 14,7 ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ.
Hơn 4ha rừng dương đang bị phá bỏ để quy hoạch làm vùng sản xuất rau sạch trước kia cũng là rừng phòng hộ, sau đó được điều chỉnh thành rừng sản xuất.