Quảng Ngãi khai thác tiềm năng, thế mạnh về biển

BVR&MT – Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi không ngừng phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Những kết quả quan trọng đạt được trên mọi lĩnh vực đã và đang tạo ra động lực, nguồn lực mở ra thời kỳ phát triển mới cho Quảng Ngãi trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Khu kinh tế Dung Quất là một trong những khu kinh tế thành công của cả nước.

Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, Ðảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp, quyết tâm đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và du lịch biển, đảo theo tinh thần của Nghị quyết.

Hai điểm nhấn trong phát triển kinh tế

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, từ một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ, tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm sáng trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2005-2021 đạt 10,92%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, dịch vụ ngày càng cao. Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 8,08%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.907 USD/người/năm.

Ðóng góp vào những kết quả này có hai lĩnh vực, thế mạnh được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển là Khu kinh tế Dung Quất và du lịch biển đảo. Khu kinh tế Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; có trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí-luyện kim và trung tâm logistics lớn của khu vực nhằm phát huy và khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, là những đầu mối vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực miền trung, Tây Nguyên.

Sau 26 năm hình thành và phát triển, Khu kinh tế Dung Quất thu hút gần 18 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, trong đó có 249 dự án hoạt động với vốn thực hiện khoảng 9,7 tỷ USD. Sự phát triển vượt bậc của Khu kinh tế Dung Quất, được các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công của cả nước; trung tâm sản xuất công nghiệp và là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi cũng như vùng kinh tế điểm miền trung.

Giai đoạn 2010-2022, Khu kinh tế Dung Quất nộp ngân sách nhà nước chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách tỉnh, góp phần đưa tỉnh Quảng Ngãi trở thành địa phương có nguồn thu lớn của cả nước, với quy mô nền kinh tế đạt 121.600 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong số 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền trung; đứng thứ 4 trong số 14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Về du lịch, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành và triển khai Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 2/11/2021 về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Ðề án phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong đó có phát triển mạnh ba dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.

Trong đó, du lịch biển đảo được xác định là mũi nhọn mà Lý Sơn là trung tâm, trọng điểm, trở thành điểm tham quan nổi tiếng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Không chỉ được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, đảo Lý Sơn còn chứa đựng một hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đa đạng và độc đáo. Ba mươi điểm di sản địa chất và văn hóa đan xen, tích hợp lẫn nhau tạo nên một dòng chảy lịch sử, văn hóa trên đất đảo nối tiếp không ngừng từ thời tiền sử đến thời hiện đại, không hề bị đứt gãy, được bảo tồn dường như nguyên vẹn.

Ở đó, còn in dấu ấn của các thời kỳ lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên Biển Ðông của Việt Nam, những lưu vết về nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa… Nhiều năm qua, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 23,3%. Riêng năm 2022, du lịch chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.

Nâng cao hiệu quả liên kết vùng

Dù đạt nhiều kết quả nhưng nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế biển nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiếu đồng bộ. Do vậy, để tiếp tục phát huy tốt nhất các thế mạnh, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định hai nhiệm vụ quan trọng cho địa phương là tập trung mở rộng, xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.

Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, Hà Hoàng Việt Phương cho biết, trở ngại lớn nhất hiện nay là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển, chưa hình thành tuyến container tại cảng Dung Quất; vấn đề giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, Nguyễn Minh Trí, dù có những nét khởi sắc ấn tượng nhưng du lịch Lý Sơn cũng chỉ trong giai đoạn tự phát, sơ khai, việc khai thác và phát triển cơ bản vẫn còn manh mún, thiếu sự dẫn dắt và thiếu tính chuyên nghiệp. Khó khăn lớn nhất hiện nay của Lý Sơn chính là hạ tầng kỹ thuật và loại hình dịch vụ còn yếu, thiếu nên giữ chân du khách không được lâu; thiếu đội ngũ làm du lịch chuyên sâu về văn hóa, địa chất giúp du khách khám phá những bí ẩn hấp dẫn của đảo thiêng. Nước ngọt và môi trường là vấn đề đang đặt ra thách thức lớn.

Ðể tháo gỡ những vướng mắc này, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch được duyệt như: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành quốc gia, vùng.

Ðối với Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh đang chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương trong triển khai thủ tục để xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia. Phối hợp xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp và các cảng hàng không, cảng biển; nhất là đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi để kết nối các địa phương trong vùng.

Về du lịch biển đảo, tỉnh chỉ đạo ưu tiên xúc tiến đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Lý Sơn nhằm phục vụ phát triển du lịch, kinh tế-xã hội của huyện Lý Sơn và cũng là bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Ðồng thời, tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, để giúp địa phương thực hiện hai nhiệm vụ Nghị quyết số 26-NQ/TW đặt ra, ngoài nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan. Ðối với Trung ương, cần hoàn thiện thể chế liên kết nhằm bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; quy định rõ ràng, cụ thể về các lĩnh vực cần có cơ chế điều phối cũng như quy định về tổ chức quản lý cấp vùng, đặc biệt về vấn đề liên quan tài chính, ngân sách; rà soát, đánh giá lại chính sách hiện hành, khắc phục sự chồng chéo giữa các luật chuyên ngành dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng.

Song song đó, cần định hướng cơ cấu ngành trong thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển với tầm nhìn dài hạn trên cơ sở lợi thế so sánh của từng khu kinh tế nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí tài nguyên và cạnh tranh giữa các khu kinh tế của các địa phương trong vùng; tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình phát triển hạ tầng có tính đột phá, có sức lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển của vùng; có chính sách ưu đãi để đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ ■

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ